11.10.12

Chìa khóa Âm Dương là con đường tự độ

Chìa khóa ÂM DƯƠNG nằm ở trong sách bìa xanh (Phòng và trị bệnh theo phương pháp Thực Dưỡng của Anh Minh Ngô Thành Nhân). Cứ chịu khó đọc và thực tập nơi bản thân, rồi một năm sau, ta sẽ có kinh nghiệm.

Chân Đi, Xóm Gạo Lứt, chìa khóa Âm Dương, Thực Dưỡng Ohsawa

~~Cái TÔI quyết định tất cả~~

Tôi nghe đồn ăn gạo lứt muối mè hết bệnh thế là tôi đi tìm hiểu. Tôi đi ra nhà sách tìm tài liệu nói về THỰC DƯỠNG. Ô kìa, một rừng sách THỰC DƯỠNG! Tôi chả biết theo tác giả nào, dịch giả nào, người biên soạn nào. Tôi mua hết đem về nhà, tôi mua cả băng đĩa về Thực Dưỡng và xem hết, nghe hết.

Người thì nói THỰC DƯỠNG phải ăn chay. Người thì nói THỰC DƯỠNG phải ăn mặn, người thì nói ăn THỰC DƯỠNG phải ăn số 7 lâu năm, rồi thuốc Nam, thuốc Bắc, viên nang thần dược. Tôi hoang mang không biết theo sách nào, người nào. Ai cũng cho mình hiểu biết nhiều về THỰC DƯỠNG.

~~Tôi ra đi để rút kinh nghiệm~~

Tôi có nhân duyên được gặp nhiều bạn qua mạng Internet, qua điện thoại. Tôi đến tìm hiểu THỰC DƯỠNG, tôi đã thấy, nghe nhìn thực tế tôi mới biết ai là gốc, ai là ngọn. Tôi về nhà lấy sách của thầy Anh Minh Ngô Thành Nhân ra xem.

À, thì ra THỰC DƯỠNG không phải ăn chay, cũng không phải ăn mặn, lý luận căn bản của THỰC DƯỠNG là học thuyết ÂM DƯƠNG của phương Đông được tiên sinh OHSAWA giải thích không mang tính siêu hình trừu tượng

~~Tôi tự xử - tự độ~~

Tôi quyết định ăn chay. Thời gian đầu, tôi chưa phân biệt được thực phẩm nào là “âm” hay “dương”. Tôi chỉ biết ăn rau củ mua ngoài chợ. Về nhà, tôi nấu đại khái, qua loa mà chẳng biết biết nấu ăn có thể chuyển đổi từ thực phẩm “âm” sang “dương”. Tôi nghiên cứu một thời gian sau đó tôi mới biết.

Xác định “âm” hay “dương” ở thực vật thì dựa vào vùng khí hậu, màu sắc, hình thể, mùi vị, thời gian nấu...

Gia vị chủ yếu trong nhà tôi là dầu mè, muối biển, tương miso, bột sắn dây, gừng...Thiết bị nấu bếp là nồi đất, nồi gang, nồi áp suất. Và nấu bếp củi hoặc bếp ga tùy món ăn và từng thời gian nấu.

Muốn “dương hóa” thức ăn, tôi dùng nồi áp suất để hầm thức ăn cho lâu trên bếp củi. Muối là “dương”, dầu mè là “dương”, nấu thời gian lâu là “dương”. Màu sắc đỏ, nâu, cam vàng là “dương”. Tôi ăn cà rốt, bí đỏ, rong biển xào với dầu mè bỏ thêm muối hột và tương Miso. Món này “dương” tuyệt vời. Tôi đi chợ mua cà rốt Đà Lạt. Rau củ Đà Lạt tốt hơn rau củ Trung Quốc, tôi lựa những thứ nào nhỏ, rau vặt (lộn xộn tức là rau dại), có sâu càng tốt. Bởi vì rau củ mập mạp thì hút nhiều phân bón hóa học. Tôi thường đi dã ngoại về miền quê để ăn rau củ thiên nhiên của những người bạn THỰC DƯỠNG. Họ tự trồng rau, họ tự làm tương Miso, tự mua mè về để ép dầu mè, dầu nành, tự trồng lúa sáu tháng để ăn. Họ tự cung, tự cấp, tôi về đây tự học nhóm bếp củi (tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn) và tự học nấu ăn qua sách của thầy Anh Minh Ngô Thành Nhân và bạn bè xung quanh ở vùng quê này. Tôi nhận ra nếu mình nắm vững lý thuyết ÂM DƯƠNG và ứng dụng vào nấu ăn thì đó chính là con đường chánh pháp của THỰC DƯỠNG.

Khi tôi tự nấu, tự ăn, tự chiêm nghiệm nơi thân xác, tôi mới biết rau củ nào “âm” hoặc “dương” và cách nấu nướng nhanh hay chậm nó quyết định món đó “âm” hay “dương”. Ví dụ, tôi đang bị bệnh Âm, tôi lấy sách ra xem phần ăn uống trị bệnh (trang 136 sách bìa xanh Phòng và Trị Bệnh theo phương pháp Thực Dưỡng).

Ví dụ, tôi bị sỏi thận thì ăn công thức số 7, có thể thêm củ cải trắng, cải bẹ xanh luộc chấm nước tương tamari, không ăn mặn quá, uống trà gạo lứt, trà ba năm (có thể thêm tí gừng), áp nước gừng vào vùng thận. Nếu sỏi bể trôi qua đường tiểu thì áp nước gừng nóng lên chỗ đau và uống nhiều nước trà ba năm cho ống tiểu giãn ra.

Ví dụ, tôi bị tiểu đường. Trong sách chỉ dạy ăn số 7 từ 15-20 ngày. Hằng ngày, có thể ăn thêm 100gr bí đỏ nấu với 50gr đậu đỏ vài củ hành ta (hoặc một đầu trắng hành poarô), có thể nấu chung với 20gr rong dải hoặc rau câu chân vịt, thêm ít dầu mè, cũng có thêm bột sắn dây, nêm tương miso, uống trà gạo lứt, trà ba năm, nước đậu đỏ, sữa thảo mộc, khi lượng đường tiểu xuống bình thường thì có thể ăn nới rộng theo cách dưỡng sinh (từ số 6 trở xuống), thức ăn phụ gồm có bí đỏ, cà rốt, củ sen, su hào, cải lá, xà lách xoong, cần tây và áp nước gừng ở vùng thận.

Tôi cứ y chang như vậy mà thực hành theo sách hướng dẫn, với một tinh thần nắm vững nguyên lý ÂM DƯƠNG và cách nấu ăn theo phương pháp THỰC DƯỠNG và một niềm tin tuyệt đối rằng: Trật tự vũ trụ sẽ giải quyết được vấn đề của thân tâm.

Từ A cho đến Z cái nào không biết tôi học thêm từ bạn THỰC DƯỠNG nào có kinh nghiệm, tôi lấy lý thuyết ÂM DƯƠNG làm gốc, rồi sau đó tự nấu, tự ăn, tự xử bệnh tật của mình.

Thật ra, lý thuyết ÂM DƯƠNG và cách nấu ăn THỰC DƯỠNG không khó khăn cho lắm, chỉ cần ta biết TỰ XỬ, TỰ ĐỘ là mọi chuyện êm xuôi mặc dù thời gian đầu phải chịu khó tốn thời gian, công sức và vật chất để đi khảo sát để học hỏi, rút kinh nghiệm.

Chìa khóa ÂM DƯƠNG nằm ở trong sách bìa xanh (Phòng và trị bệnh theo phương pháp Thực Dưỡng của Anh Minh Ngô Thành Nhân). Cứ chịu khó đọc và thực tập nơi bản thân, rồi một năm sau, ta sẽ có kinh nghiệm. Khi ta đi ra ngoài xã hội ta sẽ thấy món nào ta có thể ăn và món nào ta không nên ăn. Ta cảm nhận thân xác ta hôm qua quá “âm” thì hôm nay tránh né những thức ăn “âm”. Ta cảm nhận khí hậu ngày nay “dương” và thân xác ta cũng “dương” thì ta tìm những món ăn thức uống “âm”, để cho sự phối hợp ÂM DƯƠNG quân bình theo thời gian, môi trường và hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh bệnh tật hiện tại nơi xác thân mình.

Tôi đi tìm tôi tức là phải TỰ XỬ, TỰ NẤU, TỰ ĂN. Tôi không cần phải nghe ông này bà nọ mách bảo phải ăn như thế này, phải uống thuốc này, đừng ăn món “âm” quá, phải ăn năm mè một muối....Tôi là thầy của chính tôi, với điều kiện phải đọc sách để nắm vững lý luận căn bản của Thực Dưỡng.

 
Chân Đi
Nhà Sống Vui
*Nguồn ảnh: foto.xomgaolut.info

*Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả. Trước khi đi vào chế độ ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng cần có sự tham vấn chỉ dẫn của người chuyên gia và bác sĩ có bằng cấp và kinh nghiệm...

No comments:

Post a Comment