8.9.12

Ohsawa viết về hoa Anh Đào và lòng biết ơn

George Ohsawa, Xóm Gạo Lứt, Dịch lý và lịch sử

Tờ mờ sáng hôm kia, tôi mới đặt bút viết tập sách này (Dịch lý và lịch sử). Tôi tắt ngọn đèn dầu, lòng thanh thản sướng vui. Bên ngoài gió mưa dữ dội trong khung trời rạng sáng. Hôm nay ngày mồng 6 tháng 4 đúng vào mùa hoa Anh Đào trổ sắc và là lúc hằng năm bờ biển Thái Bình bị bão quét qua.

Căn nhà tôi đang ngồi viết nghe rung rinh như trong cơn động đất. Câu tục ngữ “Giữa lúc trăng tròn thường có mây đen, bão táp nổi lên khi hoa Anh Đào chớm nở” cũng là lời giáo huấn theo Nguyên Lý Vô Song: có Dương thì có Âm (định lý 7). Cây Anh Đào đã đơm hoa kiên nhẫn uống mình sát mặt đất dưới cơn bão hung tàn. Chúng ôm chặt những mầm non vừa nứt và những nụ hoa chớm khoe màu. Sau 3 ngày gió mưa dồn dập, bỗng cảnh mùa Xuân lộ ra tươi tắn hiền hòa, chim chóc đua nhau véo von ca hát, chính là lúc Anh Đào mở mặt đón chào vạn vật.

Mỗi khi thấy tiết Đông dai dẳng cùng khí Âm hiện đến, chớ lấy thế làm lo, vì đã có mùa Xuân nép theo bên cạnh. Cảnh biến hóa tiết Âm mùa Đông thành mùa Xuân Dương ấm áp chẳng phải thoáng giây. Trong khi mọi người ngỡ Xuân đến sớm thì khí lạnh ùa về làm thân tê cóng. Nhưng Anh Đào như biết lẽ trời, lúc nào cũng đắn đo cẩn thận, bền lòng ôm giữ những mầm non.

Rồi những ngày nắng hồng ló dạng, chúng ta hớn hở tưởng đã chắc ăn, vội vàng vứt ngay áo ấm. Nào ngờ trời lại đổ ra lạnh buốt lồng với gió mưa cuồng nộ. Những mầm non Anh Đào vẫn bám chặt vào cây và chúm chím cười khi thấy con người ngớ ngẩn.

Mùa Đông đổi thành mùa Xuân không chỉ tức khắc một lần, cũng chẳng biến hóa từng ngày chuyển dần từ Âm qua Dương mà là một cuộc tuần hoàn liên tiếp Âm - Dương - Âm - Dương như sóng triều lên xuống nhiều lần cho đến lúc người ta chợt thấy mùa Xuân mà không hay biết.

Đêm bão tố hung tàn đã qua và ngày lên chậm. Mưa gió dường như chưa dứt, nhưng tôi tin chắc mùa Xuân đang đến trên hành tinh này. Lòng xúc động hân hoan khôn tả, tôi dọn chùi căn phòng thật sạch rồi quay lại bàn viết tiếp. Nhìn thấy một chồng thư, tôi mở xem từng cái và thấy trong 1 phong bì có tấm ngân phiếu 1000¥ (tiền Nhật). Ô! Người gởi là một góa phụ sống ở thành phố ven biển Shimane. Trong thư bà viết:

“Tôi xin gửi ông số tiền tôi đã chắt mót dành dụm phòng khi tuổi già. Mong ông dùng nó như một phương tiện để truyền bá Phương Pháp Thực Dưỡng cho mọi người.

Tôi tin chắc mình không thể nào ốm đau trở lại, nên chẳng còn cần tiền bạc phòng khi nguy cấp. Giá phỏng tôi lại ngã ra đau ốm thì đó là do tôi làm sai Nguyên Lý Vô Song trong sinh hoạt hằng ngày và đó là hình phạt mà tôi phải chịu đúng lẽ công bình. Tôi thấy mình không nên có tư tưởng hèn nhát phải nhờ tới tiền tài cứu khổ. Tôi cũng bỏ hẳn ý định lui về an dưỡng trong một căn nhà nhỏ khi tuổi già. Không, tôi muốn vào ở trong một cảnh nhà thênh thang “thế giới một nhà”, “tám phương một mái”. 

Tôi xem quyển “Tướng Pháp Tu Thân Lục” của ông Namboku, thấy có viết: “Tài sản vật chất là của Trời Đất...”. Tôi mong ông tùy nghi sử dụng món tiền nhỏ mọn này...”

Tôi đang mong có được 1000¥ để in sách Người chiến thắng cuối cùng và vĩnh viễn thì bỗng đâu có món quà thành tâm này như trên trời rơi xuống. Tôi vô cùng mừng vui và cảnh mừng vui như thế thường xảy ra với tôi. Trong mấy mươi năm qua đã biết bao lần tôi nhận được những tặng phẩm trợ giúp đáng ghi công đức!

Tôi đã 20 lần qua lại trên Ấn Độ Dương và nhiều lần băng qua vùng Siberia để sang châu Âu. Tôi ở nước ngoài hơn mười mấy năm và nghiên cứu tường tận cơ cấu sâu kín của các xã hội và chính thể phương Tây. Thử hỏi tiền đâu, chi phí đâu cho đủ? Tất cả đều nhờ bạn bè giúp đỡ. Tôi quyết chí hy sinh trọn đời cho thế giới theo lời trăn trối cuối cùng người mẹ kính yêu trước phút lâm chung lúc tôi mới lên mười tuổi (xem thêm quyển Chơi Giữa Vô Thường). Trong khi ý nguyện chưa thành thế mà tôi đã được quá nhiều trợ giúp, ân huệ và tình thương của bạn bè. Buổi mai này, thấy bầu trời (bức phông vũ trụ) đang sáng ra, tôi quá đỗi sung sướng như chim sổ lồng và tin chắc rằng tấm ngân phiếu này đến tay tôi là việc trời giúp.

Trong sáu tháng nay, tôi được nhiều người giúp cho tiền bạc bất ngờ. Sau 51 tuổi, tôi hoàn toàn cống hiến đời mình, đem tất cả những gì mình có tận lực hoàn thành sứ mệnh. Tôi mơ màng lần đi trong cảnh giới ký ức, nhớ lại lúc sinh thời nghèo khổ, đói lạnh và bơ vơ trong cảnh mồ côi. Tâm trí tôi lúc này thật ấm êm, tràn ngập nỗi biết ơn vô hạn, niềm hy vọng rạng ngời và tình yêu không cùng đối với quá khứ.

A! Nghèo khổ, đói lạnh, cô đơn, bức hại biết bao ơn đức!
  

~George Ohsawa~
Người dịch: 
~Anh Minh Ngô Thành Nhân
Ngô Ánh Tuyết
Bản tiếng Việt © Nhà Ohsawa 2012

George Ohsawa, Xóm Gạo Lứt, Dịch lý và lịch sử

:::Nguồn cấp dữ liệu:::
~~Văn Bản: Dịch lý và lịch sử (George Ohsawa) - NXB Thời Đại (2012)
~~Hình ảnh: freepicturesweb.com

Nhà Ohsawa 
390 Điện Biên Phủ, P17, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM

No comments:

Post a Comment