1.3.12

Thiền Thở thay thuốc?

xóm gạo lứt, chân pháp liệu, thiền thở, chánh niệm, dạ lai hương, Giảm Stress Bằng Chánh Niệm, photo by Dạ Lai Hương

(Chân Pháp Liệu - LangMai.org) Hiện nay Tây phương đã bắt đầu công nhận sự thực tập chánh niệm như một phương pháp trị liệu có giá trị và hiệu quả. Trong khi ở Việt Nam phương pháp này vẫn chưa được lưu tâm nhiều. Phải chăng Việt Nam có khuynh hướng nghĩ rằng cần có thật nhiều tiền đầu tư vào những kỹ thuật y khoa tân tiến nhất mới giải quyết được vấn đề?....


Chánh niệm - Một liều thuốc mới cho y học thời đại


“Con đi tu làm chi uổng quá! Sao con không về Việt Nam hành nghề? Hiện nay ở Việt Nam bắt đầu có nhiều người giàu lắm! Giàu sang sanh bệnh của nhà giàu, nhiều nhất là bệnh tim mạch. Chú biết một ông giám đốc kia, vì ăn hối lộ khá nhiều nên sống trong lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Bệnh cao huyết áp của ông ta do đó cũng gia tăng. Cách đây vài tuần chú nghe tin ông ta chết do tai biến mạch máu não. Những trường hợp như vậy rất cần một người bác sĩ chuyên khoa tim mạch như con. Chú sẵn sàng lo liệu mọi chuyện để con có thể làm việc tại Việt Nam”.


“Thưa chú, là bác sĩ, con có thể giúp ông ta điều trị chứng bệnh cao huyết áp. Nhưng khi là một ông thầy tu, con có thể làm hay hơn nữa. Con sẽ chỉ dẫn ông ta phương pháp thiền tập để đối trị với cơn lo sợ của ông ta - nguồn gốc làm tăng trưởng căn bệnh tim mạch. Con sẽ khuyến khích ông thực tập năm giới để bỏ ăn hối lộ. Khi căn bệnh lo sợ được chữa trị tận gốc, ông ta sẽ có khả năng sống an lạc và hạnh phúc. Vợ con ông ta và những người xung quanh cũng sẽ được hưởng lây”.

“Con nói vậy thì chú hiểu”.

Sau buổi nói chuyện ấy, tôi có cảm tưởng là chú tôi bắt đầu hiểu và tôn trọng lý tưởng xuất gia của tôi hơn. Chú còn muốn tìm đọc sách và nghe pháp thoại của thầy Nhất Hạnh nữa. 


Hơi thở chánh niệm để chăm sóc thân tâm

Khi xuống tóc xuất gia, tôi nhận được cái tên là Chân Pháp Liệu. Pháp ở đây có thể hiểu là pháp Bụt, là đem lời chỉ dạy của Bụt ra thực tập và áp dụng vào đời sống hằng ngày. Liệu là trị liệu, là làm giảm đi niềm đau, nỗi khổ của thân cũng như tâm. Vỏn vẹn hai chữ này – lời nhắn gửi của thầy tôi – cũng đủ để cho tôi thực tập suốt đời: Trị liệu thân tâm của chính mình và giúp người khác biết cách trị liệu thân tâm của họ.

Để trị liệu thân tâm, trước nhất ta phải biết trở về chăm sóc thân. Vì hơi thở là nhịp cầu giữa thân và tâm nên ở Làng Mai chúng tôi thực tập hơi thở có ý thức, mà danh từ chuyên môn gọi là hơi thở chánh niệm (mindful breathing). Ta có thể định nghĩa vắn tắt Chánh Niệm là ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta trong giây phút hiện tại. Trong tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, trong những sinh hoạt hằng ngày như nấu cơm, rửa chén, giặt đồ, v.v… hơi thở có ý thức đưa ta trở về giây phút hiện tại để biết những gì đang xảy ra trong thân, tâm và xung quanh ta. Đương nhiên trong tư thếngồi ta dễ tập trung tâm ý hơn.

Tôi xin mời bạn tìm một tư thế ngồi cho thật thoải mái để chúng ta cùng thực tập hơi thở có ý thức. Trong các bài thiền tập sau đây, ta chỉ cần tập trung tâm ý vào hơi thở vào-ra một cách tự nhiên mà không cần can thiệp vào. Bài tập đầu giúp ta nhận diện đơn thuần hơi thở vào-ra. Vài phút sau, tự nhiên hơi thở vào-ra sẽ dần dần lắng dịu. Khi hơi thở lắng xuống, ta cảm thấy dễ chịu.

1. Thở vào, biết đang thở vào
Thở ra, biết đang thở ra.
(vào/ra)
2. Thở vào, thấy hơi thở lắng dịu
Thở ra, thấy dễ chịu.
(vào lắng dịu/ra dễ chịu)

Sau khi duy trì từ năm đến mười phút khoảng mười hơi thở vào-ra có ý thức như thế, ta có thể theo dõi và thưởng thức hơi thở vào-ra một cách trọn vẹn hơn.

3. Thở vào, thưởng thức hơi thở vào từ đầu đến cuối
Thở ra, thưởng thức hơi thở ra từ đầu đến cuối.
(thưởng thức hơi thở vào-ra)

Sau khi nếm được an lạc trong hơi thở, ta có thể bước qua
lãnh vực “thân” để nhận diện và làm an tịnh toàn thân.

4. Thở vào, ý thức toàn thân
Thở ra, làm an tịnh toàn thân.
(vào ý thức toàn thân/ra an tịnh toàn thân)

Khi toàn thân được an tịnh, ta cảm thấy an lạc và có thể nở một nụ cười an vui.

5. Thở vào, cảm thấy an lạc trong toàn thân
Thở ra mỉm cười với toàn thân.
(vào an lạc toàn thân/ra mỉm cười với toàn thân)

Ta có thể thực tập hơi thở có ý thức và thư giãn trong mọi tư thế (đi-đứng-nằm-ngồi), bất cứ lúc nào và ở đâu.Vì thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt nên chăm sóc thân cũng là chăm sóc tâm. Khi có một cảm xúc mạnh, hay bị một nỗi khổ niềm đau khống chế, ta có thể trở về với hơi thở để nhận diện và làm lắng dịu cảm xúc, niềm đau hay nỗi khổ ấy. Mỗi khi có cơ hội, tôi đều thực tập trở về với hơi thở ý thức, nhận diện nơi nào trong cơ thể đang bị căng thẳng hay đau nhức. Vùng nào căng thẳng, tôi thực tập buông thư vùng ấy. Chỗ nào đau nhức, tôi tập trung tâm ý, ưu ái xoa dịu chỗ đó. Chỉ cần nhận diện đơn thuần thôi là ta đã bắt đầu công việc chăm sóc và chữa trị. Khi chăm sóc thân, ta cũng cần để ý tới cách thức ăn uống. Muốn được nhẹ nhàng, ta phải chọn lọc để chỉ tiêu thụ những thức ăn thật lành cho cơ thể, có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm.

Ngoài ra, y khoa cho biết rằng sức đề kháng của cơ thể sẽ yếu đi khi ta lo sợ hay bị căng thẳng. Hơn nữa, khi tinh thần căng thẳng thì tự nhiên có những vùng trong cơ thể ta cũng bị căng thẳng lây như các cơ bắp ở hai vai, các nhóm cơ bắp dọc theo cột sống sẽ co cứng lại, làm cho đau nhức.

Nhờ thiền tập, tôi đã giảm bớt được tính khí hay lo của mình. Và nhờ thường xuyên thực tập buông thư toàn thân, tập gậy dưỡng sinh và đi bộ nhanh đều đặn ít nhất một giờ mỗi ngày, chứng bệnh đau lưng kinh niên của tôi đã bớt hẳn. Khí lực và sức khỏe tổng quát vì thế cũng có phần tốt hơn trước. 


Thành tựu và giới hạn của y học Tây phương

Y học Tây phương ngày nay có nhiều thành công trong việc chữa trị và đi rất xa trong các lãnh vực phân tích, nghiên cứu và chẩn đoán bệnh lý (Pathology) như là ngành vi sinh vật học (Microbiology), sinh học phân tử (Molecular biology), kỹ thuật nhân bản vô tính (Cloning technic), chữa trị bằng gien (Gene therapy), v.v... Nền y khoa Tây phương đã và đang đạt được những thành tựu lớn mà cách đây chừng vài mươi năm người ta khó có thể tưởng tượng được. Những tiến bộ của y học Tây phương, nhất là của khoa sức khỏe cộng đồng (Public health), giúp con người sống lâu và cơ thể chậm suy thoái hơn. Tuy nhiên, nếp sống hối hả, chạy theo hưởng thụ của thời đại toàn cầu hóa, sự tàn phá môi sinh do phát triển kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường, v.v… lại đem đến những căn bệnh mà thế hệ cha ông ta ít biết đến như SIDA, Alzheimer hoặc làm tăng tỷ lệ một số các bệnh như ung thư, dị ứng, v.v… Trước những hiểm nguy mới, Tây y đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để tìm ra nguyên do và cách chữa trị.

Nhưng hình như càng đi sâu vào sự nghiên cứu và phân tích, y học Tây phương càng rời xa hoặc quên đi những nguyên tắc rất giản dị, đó là khả năng tự trị liệu của cơ thể. Ta thử quan sát một con thú hoang khi nó bị thương hay bị bệnh. Nó sẽ nhịn ăn, tìm tới một nơi hoang vắng để nằm yên và nghỉ ngơi. Như thế, vài ngày sau, vết thương tự lành, cơn bệnh tự khỏi mà không cần đến sự can thiệp của bác sĩ thú y. Đó chính là nhờ con thú biết nằm yên, nghỉ ngơi hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể điều động các chức năng kháng sinh và trị liệu


Chủ động vận dụng tiềm năng tự trị liệu

Bác sĩ Mỹ Bernie Siegel [1] sau hai mươi năm chuyên hành nghề phẫu thuật u bướu, đã nhận ra những giới hạn của khoa phẫu thuật Tây y trong quá trình chữa trị và phòng ngừa tái phát những căn bệnh ung thư. Ông đành để nhiều thời gian và công sức để chăm sóc và nâng đỡ tinh thần cho các bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng (Exceptional cancer patients), mà Tây y coi như bó tay. Ông ta rút kinh nghiệm rằng, phần lớn những người thoát khỏi bệnh hiểm nghèo đều không chịu đi vào khuôn khổ của một người bệnh ngoan ngoãn vâng lời thầy thuốc, chấp nhận quá trình điều trị một cách thụ động. Ngược lại họ còn có phần ngang bướng (theo cái nhìn từ phía những người điều trị). Họ sẽ không dễ dàng chấp nhận những đề nghị điều trị nếu không được giải thích thấu đáo. Họ là những người biết nắm lấy vận mạng của chính mình bằng cách tự tìm tòi và quyết định phương pháp điều trị nào thích hợp nhất cho tình trạng sức khỏe và tâm lý của họ vào thời điểm đó. Ngoài ra bác sĩ Bernie Siegel còn ghi nhận rằng những phép lạ - bệnh nhân được khỏi bệnh hiểm nghèo - thường hay xảy ra khi người bệnh tìm được bình an trong tâm hồn, khi họ biết tự thương mình hơn, sau khi đã làm hòa với chính mình và với những người thân. Trong trường hợp người bệnh không qua khỏi được thì ít nhất họ cũng có thể qua đời trong sự bình an.

Bác sĩ Siegel có kể câu chuyện của một bệnh nhân, một triệu phú người Mỹ. Khi bác sĩ phát giác căn bệnh ung thư của anh thì họ chỉ cho anh chừng ba tới sáu tháng để sống. Hay tin ấy, anh nhất quyết sẽ sống sao cho đáng và nhất là cho vui những tháng ngày còn lại. Trong các thú tiêu khiển, anh thích xem phim hài hước nhất. Anh liền trang bị cho chiếc tàu buồm cực kỳ sang trọng của anh một phòng xem xi nê kiểu “home movie” thật tối tân, với tất cả những phim hài hước tìm được trên thịtrường. Và anh nhổ neo, căng buồm đi du lịch một vòng quanh thế giới. Trên tàu, anh xem tất cả những phim hài hước ấy để cười cho đã, cười thật to, thật thoải mái, cười cho tới ra nước mắt! Khi tàu cập bến để lấy nguyên liệu, anh đi tìm xem những phim hoặc những vở kịch hài hước của địa phương đó, làm quen với dân bản xứ và rủ các người bạn ấy lên tàu xem phim và cười chung với anh. Như vậy cùng một lúc anh có được rất nhiều bạn mới. Kết cuộc là một năm sau, khi trở về tái khám, các bác sĩ rất ngạc nhiên khi không còn thấy dấu vết gì của căn bệnh ung thư. Phép lạ của phương pháp “cười trị liệu” (Laughing Therapy) là thế đấy!


xóm gạo lứt, chân pháp liệu, thiền thở, chánh niệm, dạ lai hương, Giảm Stress Bằng Chánh Niệm



Chánh niệm - một phương trời mới cho Tây y

Trong giới y khoa Tây phương, càng ngày càng có nhiều người quan tâm, nghiên cứu và áp dụng phương pháp chánh niệm vào việc chữa trị và chăm sóc cho bệnh nhân. Tại bệnh viện thuộc Đại Học Y Khoa của tiểu bang Massachusetts, bác sĩ Jon Kabat-Zinn có thiết lập một Dưỡng Đường Giảm Căng Thẳng (Stress reduction clinic) từ hơn 25 năm nay [2]. John Kabat-Zinn là một trong những người đầu tiên có công đem thiền tập vào y khoa với chương trình Giảm Stress Bằng Chánh Niệm (Mindfulness based stress reduction). Ông đã phải phấn đấu, và gặp rất nhiều khó khăn lúc đầu để được các phân khoa khác công nhận. Đầu tiên người ta gửi tới ông những bệnh nhân được coi như vô phương cứu chữa (bệnh SIDA, ung thư, suy tim giai đoạn cuối, v.v…). Nhưng dần dần Dưỡng Đường Giảm Stress càng thu hút nhiều bệnh nhân đến từ các chuyên khoa khác nhau. Trong Dưỡng Đường Giảm Stress bệnh nhân được lắng nghe, được tôn trọng và công nhận trước nhất như một con người toàn diện, với tất cả những khổ đau và sợ hãi của họ. Bệnh nhân không bị đồng hóa với căn bệnh. Những người chăm sóc bệnh nhân (gồm các bác sĩ, y tá và hộ lý) đều thực tập chánh niệm. Họ được khuyến khích dành nhiều thời gian để lắng nghe người bệnh. Vì biết vun trồng tình thương và nuôi dưỡng bình an trong tự tâm, họ có khả năng có mặt thật sự cho người bệnh.

Chương trình chăm sóc kéo dài tám tuần. Trong khoảng thời gian đó, người bệnh được hướng dẫn thực tập chánh niệm để biết trở về tự chăm sóc cho thân và tâm. Căn bệnh tuy là một chướng ngại, một tai nạn đã xảy ra trong cuộc sống, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để họ dừng lại, nhìn căn bệnh dưới một góc độ khác. Đó cũng là dịp để người bệnh nhìn lại cách họ sống, cách họ quan hệ với gia đình, với đồng nghiệp và xã hội từ trước đến nay.

Tôi còn nhớ trường hợp của mẹ tôi. Khi đó, tôi được về nhà chăm lo cho mẹ khi căn bệnh ung thư của mẹ được điều trị bằng hóa chất. Quá trình hóa chất trị liệu rất nguy hiểm vì người bệnh phải đi qua một giai đoạn “suy sức đề kháng” (Immunodepression), có nguy cơ chết vì nhiễm trùng. Trong những lúc kề cận cái chết như thế, mẹ tôi mới có dịp mở cái vỏ áo giáp” thường ngày ra, mở lòng chia sẻ cho tôi những niềm đau, nỗi khổ thầm kín nhất mà lâu nay mẹ chưa nói với ai được. Về phía tôi cũng vậy, thời gian ấy là những lúc tôi thực tập lắng nghe tinh chuyên nhất, tập nghe những gì mẹ nói ra được cũng như những gì mẹ chưa nói ra được. Vì trước kia, tôi và mẹ có vấn đề trong sự truyền thông, không biết lắng nghe nhau để hiểu nhau nên trong quá khứ tôi đã thường làm mẹ buồn.

Giờ đây nhìn lại, tôi thấy thời gian mẹ bệnh là một cơ hội để tôi được gần gũi mẹ nhiều hơn, hiểu mẹ hơn, hầu củng cố lại tình thâm. Mẹ tôi hay nói rằng, mẹ cám ơn Chúa đã thử thách lòng tin của mẹ với căn bệnh hiểm nghèo ấy. Phần tôi, tôi cảm nhận được rằng hai mẹ con đã cùng sánh vai, con nâng khi mẹ ngã, đi qua những giờ phút khó khăn. Khi hai mẹ con cùng vượt qua được những thử thách như thế thì sự thành công rất tương đối ấy có công năng hàn gắn và trị liệu các vết thương trong mẹ, trong con, và nhất là những lỗi lầm trong quá khứ đã từng làm tổn thương tình mẹ con.

Ông Kabat-Zinn có ghi lại những nguyên nhân đưa tới sự chuyển hóa của bệnh nhân: “... Và có lẽ trên hết, bệnh nhân đến (dưỡng đường) và ở lại, vì chúng tôi (những người chăm sóc) tạo được một không khí cởi mở, cảm thông, và người bệnh cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe và chấp nhận… Có một tin mừng là mỗi chúng ta đều có khả năng đối diện và ôm ấp lấy chính mình một cách toàn diện. Ai trong chúng ta cũng đều có thể đưa lên ánh sáng ý thức những gì còn mờ tối, còn đáng sợ trong thâm tâm, mà lâu nay ẩn sâu trong tiềm thức nhưng có khả năng sai khiến đời ta. Đồng thời ta cũng có thể khơi dậy từ tận đáy tim những ước vọng thâm sâu, trong sáng và lành mạnh hơn; và cho những ước vọng tốt lành ấy đơm bông kết trái trong cuộc đời, đem lại sự hồi phục và trị liệu, và làm giảm đi nhiều triệu chứng bệnh…”



Hai công trình nghiên cứu lâm sàng điển hình

Để chứng minh cho cộng đồng y khoa thấy hiệu quả của chương trình Giảm Stress Bằng Chánh Niệm, Jon Kabat-Zinn và đồng nghiệp đã thực hiện và công bố hai công trình nghiên cứu lâm sàng điển hình.

Trong công trình nghiên cứu đầu [3], Jon Kabat-Zinn cùng bác sĩ chuyên khoa bệnh ngoài da Bernhard Jeff nghiên cứu những bệnh nhân bị bệnh vẩy nến (Psoriasis) được điều trị bằng phương pháp rọi da với ánh sáng cực tím (Phototherapy by Ultraviolet light). Một tuần ba buổi trong thời gian nhiều tuần, và mỗi buổi từ mười đến mười lăm phút, bệnh nhân phải đứng chịu trận trong một cabin hình ống có trang bị bóng đèn cực tím. Họ phải đeo kiếng đen dày cộm để bảo vệ mắt, trùm đầu bằng bao gối để tránh mặt không bị phỏng. Với những điều kiện chữa trị như trên, người bệnh cảm thấy rất khó chịu và không khỏi bị căng thẳng khi phải đứng chịu đựng mười lăm phút trong cái cabin hình ống ấy. Các bệnh nhân được chia một cách ngẫu nhiên (Randomisation) làm hai nhóm nhỏ. Một nhóm được hướng dẫn theo dõi hơi thở chánh niệm trong lúc đứng trong cabin hình ống; nhóm còn lại không biết chánh niệm là gì.

Kết quả là nhóm có thực tập hơi thở chánh niệm lành bệnh nhanh chóng hơn (gấp bốn lần) nhóm không thực tập. Bác sĩ Kabat-Zinn kết luận: “Công trình nghiên cứu bệnh vẩy nến (Psoriasis) này là một thí dụ điển hình của Y Khoa Toàn Vẹn hay Y Khoa Toàn Bộ (Integrative medicine), vì nó phối hợp tâm/thân - thiền tập can thiệp trực tiếp vào cách chữa trị thông thường…”

Jon Kabat-Zinn thực hiện công trình nghiên cứu thứ nhì [4] cùng các bác sĩ tâm thần (Psychiatrist) người Anh Zindel Segal, Mark Williams và John Teasdale. Câu hỏi được đặt ra như sau: Sau khi được điều trị thành công bằng thuốc chống trầm cảm, phương pháp Nhận Thức Trị Liệu Bằng Chánh Niệm (Mindfulness based cognitive therapy) có giúp những bệnh nhân bị trầm cảm nặng (Patients with major depressive disorder) không tái phát bệnh sau khi ngưng thuốc?

Điều quan trọng là trong quá trình nghiên cứu này, các vị bác sĩ tâm thần cũng phải thực tập chánh niệm để có được kinh nghiệm trực tiếp trong quá trình chuyển hóa thân và tâm của họ. Như thế họ mới có đủ khả năng và bản lĩnh để hướng dẫn bệnh nhân.

Kết quả của công trình nghiên cứu thành công này, khi được công bố, đã để lại rất nhiều ấn tượng trong giới tâm lý học lâm sàng (Clinical psychology). Bác sĩ Jon Kabat-Zinn đã có lời tán dương ba nhà tiên phong, các bác sĩ tâm thần Zindel Segal, Mark Williams và John Teasdale như sau: “…Việc làm của các vị đã góp phần bắc một nhịp cầu giữa hai thế giới, mà cho tới nay hầu như chưa bao giờ đối thoại với nhau. Đó là thế giới của tâm lý học lâm sàng và thế giới của thiền tập…”

Chánh niệm có thể đóng góp gì cho nền y học Việt Nam?

Hiện nay, chương trình Giảm Stress Bằng Chánh Niệm được phổ biến và có mặt khắp mọi nơi, tại phần lớn các tiểu bang Bắc Mỹ và các thành phố lớn trên thế giới (Hong Kong, Mexico, Buenos Aires, Capetown (Nam Phi), Úc châu và Tân Tây Lan (New Zealand), v.v... Các đại học y khoa nổi tiếng ở Bắc Mỹ cũng đã đưa phương pháp thực tập chánh niệm vào chương trình học tập của sinh viên và nhân viên bệnh viện. Ngoài ra, thiền chánh niệm cũng được giảng dạy và thực tập ở nhiều lãnh vực khác như trong các giới luật sư, thương gia, giáo chức, huấn luyện viên thể thao, v.v…

Nền y học Việt Nam vừa được thừa hưởng gia tài Đông y quý giá của thế hệ cha ông để lại, vừa được tiếp nhận các tiến bộ mới nhất của nền y khoa hiện đại Tây phương. Đông y cổ truyền coi con người như một thành phần của thiên nhiên, vũ trụ. Đông y luôn coi trọng mối quan hệ mật thiết giữa thân và tâm trong quá trình chẩn bệnh và trị bệnh. Thí dụ Đông y biết rất rõ là giận nhiều sẽ ảnh hưởng tới gan, hoặc sợ nhiều sẽ ảnh hưởng tới tim. Nhưng hình như Đông y chưa đúc kết được những phương pháp thực tập cụ thể để giúp bệnh nhân đối trị với những cảm xúc mạnh, những cảm thọ tiêu cực có nguy cơ thiêu đốt tâm can. Ở lãnh vực này, phương pháp thực tập chánh niệm sẽ giúp vị thầy thuốc rất nhiều, dù vị đó điều trị theo Đông y, Tây y hay cả hai. Không những vị thầy thuốc có thể hướng dẫn bệnh nhân thực tập chánh niệm để phòng ngừa hay trị bệnh, mà chính người thầy thuốc cũng nên thực tập chánh niệm. Lý tưởng nhất là mình khéo léo làm thế nào để biến bệnh viện thành một môi trường thực tập và mời các bạn đồng nghiệp cùng thực tập chung như một gia đình tâm linh. 


Chánh niệm - nền tảng của y đức 

Thực tập chánh niệm, người bác sĩ sẽ phát huy được y đức. Y đức là một đức tính căn bản của một vị thầy thuốc mà cả Đông lẫn Tây y đều coi trọng, vì đạo đức của ông thầy thuốc góp phần không ít vào sự trị liệu. Thực tập chánh niệm luôn đi đôi với thực tập năm giới. Năm giới, còn được gọi là Năm Phép Tu Tập Chánh Niệm, đã được Làng Mai trình bày và diễn đạt một cách rất mới, để sự thực tập thích nghi với thế giới hiện nay hơn. Năm Phép Tu Tập Chánh Niệm giúp nâng cao đời sống đạo đức và có công năng nuôi dưỡng, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Trong thời gian tôi còn hành nghề bác sĩ ở Pháp, tôi đã có dịp chứng kiến rất nhiều cảnh khổ đau trong giới điều trị viên (gồm bác sĩ, y tá, hộ lý). Nhiều gia đình bị tan nát vì không biết thực tập giới không tà dâm. Ít người có hạnh phúc trong gia đình và cũng không có niềm vui nơi làm việc. Cuộc sống quá bận rộn và lo toan nên họ không có thời giờ nghỉ ngơi, chăm sóc cho tự thân. Họ không có thì giờ hoặc không biết cách lắng nghe người bạn đời hay con cái. Họ cũng không biết dùng ái ngữ để truyền thông với người thương. Ở bệnh viện thì chủ nghĩa cá nhân thúc đẩy họ đi về hướng của tham vọng, của quyền lợi cá nhân. Lối suy nghĩ và hành xử ích kỷ này tạo không khí cạnh tranh, ganh tỵ và căng thẳng, nên dễ có xung khắc giữa các đồng nghiệp. Nói chung họ gây đau khổ cho chính bản thân và cho những người chung quanh vì họ không biết thực tập năm giới. Ngoài ra vì phải tiếp xúc với quá nhiều khổ đau nên họ khó giữ được sự tươi mát và rất mau chóng trở thành “chai đá”.

Cho nên sự thực tập để nuôi dưỡng niềm vui, sự tươi mát và lòng từ bi là điều cốt yếu cho những ai lo chăm sóc bệnh nhân. Khi một vị bác sĩ, một cô y tá, một cô hộ lý có đủ bình an, hạnh phúc thì lúc đó họ mới có khả năng san sẻ bình an và hạnh phúc cho bệnh nhân. Khi người bệnh được lắng nghe, được chăm sóc và đối xử với tình thương thì tinh thần họ mới phấn chấn, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc chữa trị. 


Chánh niệm - sự đầu tư ít tốn kém nhất cho y khoa Việt Nam

Hiện nay Tây phương đã bắt đầu công nhận sự thực tập chánh niệm như một phương pháp trị liệu có giá trị và hiệu quả. Trong khi ở Việt Nam phương pháp này vẫn chưa được lưu tâm nhiều. Phải chăng Việt Nam có khuynh hướng nghĩ rằng cần có thật nhiều tiền đầu tư vào những kỹ thuật y khoa tân tiến nhất mới giải quyết được vấn đề? 

Kinh nghiệm phát triển của phong trào Giảm Stress Bằng Chánh Niệm ở Tây phương cho thấy rằng: Đầu tư vào phương pháp thực tập chánh niệm không tốn nhiều tiền của và nhân lực! Điều này rất phù hợp với tình trạng kinh tế của Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, người Việt chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để làm việc này. Vì đạo Bụt đã thấm vào huyết quản và văn hóa của người Việt nên ta chỉ cần khơi dậy các hạt giống của chánh niệm, của tình thương (từ bi) và hiểu biết (tuệ giác) - mà các thế hệ tổ tiên huyết thống và tâm linh đã gìn giữ và trao truyền cho chúng ta - là ta sẽ sớm có thể khôi phục và phát huy những giá trị nhân bản và tâm linh cần thiết cho y học Việt Nam.

Chánh niệm, cốt lõi của sự thực tập trong đạo Bụt, không những sẽ đem lại nhiều bình an và lợi lạc cho người bệnh, mà còn mang đến nhiều hạnh phúc và an lạc cho người trị bệnh.

Người Tây phương đã khéo léo trình bày để sự thực tậpchánh niệm không còn mang màu sắc tôn giáo. Trong bối cảnh xã hội và chính trị của Việt Nam hiện nay chúng ta cũng có thể làm như thế nếu thấy cần thiết. Xin cầu chúc các vị bồ tát - những người bác sĩ, y tá, và hộ lý, đang ngày đêm tận tụy chăm sóc bệnh nhân - sớm biết trở về chăm sóc tự thân, nuôi dưỡng chí nguyện độ đời và luôn có nhiều nghị lực để tiếp tục đi tới trên conđường phục vụ con người và xã hội.

~~Chân Pháp Liệu~~





:::Tham Khảo:::






1 comment:

  1. Bài viết hay quá, thở đi nào.... Còn hơi thở là ta còn tất cả :)

    ReplyDelete