7.3.12

Bóng hình tôi...khi xưa

nhà ohsawa, xóm gạo lứt, ảnh dạ lai hương

(Dạ Lai Hương - XomGaoLut.info) Thêm một buổi gặp gỡ thân mặt nữa diễn ra ở nhà Ohsawa vào chiều ngày 03 tháng 03. Cũng không có điều gì đặc biệt xảy ra. Thức ăn chính là hủ tiếu lứt. Trước khi ăn chiều thì chú Đinh Xuân Thu chia sẻ “lược sử” về trà đạo.

Lược sử trà đạo…
 Những điều tôi được nghe thì hầu như trước đó đã đọc qua. Nhưng được nghe và xem trực tiếp cho nên tôi cảm thấy như từng trang sách đang sống động trình hiện trước mắt mình. Có thể nói là sự say mê sẽ dẫn dắt người ta tinh thông một lãnh vực nào đó. Và tôi thấy rõ ràng có sự say mê trong đôi mắt chú Đinh Xuân Thu mỗi khi nói về trà. 

Cái ấm trà, chén trà, loại trà và cái hộp gỗ đựng trà của chú nữa...tất cả đều rất đặc biệt. Được ngồi chung bàn với một tâm hồn thương yêu và chiều chuộng trà như vậy thật sự là một niềm may mắn rất lớn. Nhưng mà lắng nghe chỉ là lắng nghe vậy thôi. Tôi có cảm tưởng nghệ thuật tao nhã này sẽ không đi vào và ở lại trong tôi lâu được. Tôi thích uống trà và mà lại không muốn hiểu về trà. Chính vì lòng không mong muốn đó cho nên mọi cánh cửa sẽ đóng khép. Ta sẽ không có khả năng tiếp nhận và lưu trữ điều gì. 

nhà ohsawa, xóm gạo lứt, ảnh dạ lai hương, photo by Dạ Lai Hương, Đinh Xuân Thu


Từ khi đi bán sách thì tôi mới biết cuốn “Trà Kinh” của tác giả Vũ Thế Ngọc là một tác phẩm được truy tìm, được săn lùng rất nhiều. Có bao nhiêu quyển tôi đã bán sạch. Có thêm bao nhiêu người đã hỏi tôi cuốn này. Tôi chẳng biết tìm ở đâu để bán cho họ nữa. Vậy mà mấy tháng trước đó, tôi đã tặng quyển này (tôi mua từ 2 năm trước) cho một người bạn. Hình như tôi không còn nhu yếu muốn nắm giữ bất cứ kiến thức nào về trà nữa. Cách uống trà của tôi mới quê mùa làm sao. Đun sôi nước với lá trà khô hay là gạo lứt rang rồi uống. Chỉ có vậy. Tôi chẳng nhớ phải dùng ấm trà nào, cách pha trà ra làm sao, loại trà nào ngon. Lý do vì tôi là người tối giản. Tôi có xu hướng đơn giản hóa mọi thứ. Bày biện nhiều hình như không phải là sở thích. Tất nhiên là tôi rất mong được gặp được một người am hiểu về trà như chú Đinh Xuân Thu. Những buổi gặp gỡ và được hướng dẫn từng bước như vậy thật là quý biết bao nhiêu. Tôi thấy mình được mở mang ra nhiều. Nhưng đi theo thì tôi không đi theo. Lắng nghe thì lắng nghe hết lòng nhưng không muốn lưu giữ. Không biết đây là một tính tốt hay là một thói quen tai hại. Tôi tiếp nhận rất nhanh và lãng quên cũng nhanh không kém…

Mới đây khi ra Huế, tôi tặng quyển Hoa Đạo cho một sư cô. Sư cô bảo tôi đứng chờ. Ít phút sau, sư cô trở lại và đem cho tôi một hộp trầm. Tôi nói tiếng cảm ơn và xá chào mà không biết sẽ làm gì với vật phẩm này. Ở chùa mấy ngày thì tôi thấy quý thầy hay đốt trầm và còn đốt một nhánh lá gì đấy (xin đừng cười, thiệt tình là tôi cũng chưa biết đó là lá gì) khi uống trà. Tôi nói rồi mà. Tôi quê mùa lắm. Tôi chẳng biết thưởng thức gì cả…



Hương vị quê nhà…

Uống trà và việc nấu hủ tiếu chiếm gần hết thời gian ở nhà Ohsawa. Món hủ tiếu lứt này chỉ là một món ăn chơi để đãi bạn bè. Nó không phải là một món chính theo tinh thần Thực Dưỡng. Nhưng với đời sống hối hả như bây giờ thì món này khá là tiện dụng. Rửa sơ qua với nước sạch. Trụng với nước sôi. Vậy là ta đã có thể hoặc xào khô hoặc dùng với nước lèo. Nước lèo là nước ngọt từ rau củ. Gia vị chỉ có muối. Ăn như vậy là hơi nhạt. Nhưng tôi thấy đa số mọi người (những người đã quen với cách ăn uống Thực Dưỡng) thì đều ăn được. Nếu là ở ngoài thì chắc chắn người ta sẽ thêm đường, bột nêm, bột ngọt. Thành ra nhiều khi tôi nghĩ Thực Dưỡng hấp dẫn tôi có lẽ một phần cũng vì cách nấu rất giản đơn. Khi nào cảm thấy nhạt thì có thể nhai thêm muối vừng hay là bỏ thêm vài muỗng tương bần, tương hạt lỏng hoặc là tương tamari. 

nhà ohsawa, xóm gạo lứt, ảnh dạ lai hương, photo by Dạ Lai Hương

Xem lại mấy tấm hình chụp thì thấy cũng không có gì hấp dẫn cả. Nhưng ít ra thì đây là những hình ảnh chân thật. Ở những chương trình nấu ăn thông thường, tất cả ảnh người ta đã biên tập lại. 

Buổi trưa thì mọi người ăn cơm lứt với canh bí đỏ và rau xào. Buổi chiều thì ăn hủ tiếu lứt. Nguyên liệu thì cũng chỉ là cà rốt, bông cải, khoai tây, đậu phụ và thêm một chút rong dải. 

Trong bữa ăn này tôi cho thêm vài muỗi tương. Khi nhai thì tôi nhớ lại những ngày ở Yên Tử. Lang thang suốt mấy ngày ở đó cho nên tôi nghỉ lại trong một quán trọ khu Hoa Yên. Cô chủ quán có vẻ ngạc nhiên vì yêu cầu thực đơn của tôi là lạc vừng, rau muống và dưa cải. Thấy có hủ tương bần, tôi xin nếm thử. Và tôi nhớ như in hương vị đó. Đi vào Thực Dưỡng, người ta hay đề cao những loại tương của Nhật như Tamari hay Miso. Nhưng theo tôi, ở Việt Nam đã có những loại tương rất ngon, đậm đà hương vị quê nhà như tương bần chẳng hạn. Vì vậy, mình có thể làm loại tương này và chưng cất lâu năm để dùng dần. Nếu được vậy thì hay lắm. Không phải đi đâu xa, mọi thứ đã có sẵn bên mình.
nhà ohsawa, xóm gạo lứt, ảnh dạ lai hương, photo by Dạ Lai Hương

Bóng hình tôi …khi xưa

Trà và tương không phải là đam mê của tôi. Đó chỉ là những mảnh ký ức vụn vặt trong tâm trí. Hình ảnh đánh động tôi nhiều nhất buổi chiều hôm đó chính là anh, một người bạn mới quen. Chia sẻ với anh không nhiều lắm nhưng qua mấy mẫu chuyện, qua dáng điệu tôi bất giác nhận ra một hình bóng thân thuộc. Tôi có thể gọi tên:

“Là tôi… là tôi khi xưa đây mà.”

Nói như vậy không có nghĩ là bây giờ tôi đã khác. Bây giờ thì tôi vẫn vậy thôi. Có chăng là đỡ khổ đau hơn một chút. Cái khổ đau không biết mình là ai, không biết mình phải đi đâu, về đâu là một dạng khổ đau không hề nhỏ. Nó có thể đánh gục mình, giam hãm cuộc đời mình. Thấy được tình trạng của anh, tôi định bụng khuyên anh đi tới với một đoàn thể, với một chúng lớn để tập tu. Nhưng xem ra lời khuyên của tôi đã đã thừa thải mất rồi. Anh đã từng ở chùa Từ Đức. Anh cũng đã tới Thường Chiếu. Vậy là anh đã thử đi vào cả hai hướng tu tập. Mình có thể gọi nôm na là “cắt duyên”“dấn thân”. Đã tới, đã thử nhưng vẫn chưa thấy an ổn, vẫn chưa thấy bình yên. Vì vậy, anh lại trở ra, lang thang, rong ruổi…

Tôi có đưa cho anh xem một bài tôi mới viết. Một trong những bài chưa từng công bố ra bên ngoài chỉ chia sẻ trong nội bộ. Anh đọc và ra chiều ưng ý lắm. Anh nói với tôi rằng có anh trong bài viết này. Anh thấy bóng dáng mình trong những dòng chữ của tôi. Anh kể một chút về thân thế, gia đình. Đã nhiều lần anh chán nản với chính sự sống của mình. Rõ ràng anh biết mình có nhu yếu khác với số đông. Anh không cảm thấy hạnh phúc trong cái vòng tròn của đi làm-kiếm tiền-lập gia đình. Anh muốn tìm kiếm một cái gì đó khác hơn. Chỉ là khác thôi chứ anh cũng chưa biết gọi tên nó là gì. Gọi là nhu yếu tâm linh thì có vẻ lớn lao quá. Anh chỉ mong tìm ra câu trả lời thật sự là mình muốn cái gì trong đời này. Hiểu được rồi thì anh mới có thể an tâm quay trở lại cuộc sống thế sự. Nhưng không may là anh vẫn chưa tìm ra lời giải. Không ai, không nơi nào đưa cho anh lời giải. Vì vậy, anh cứ trôi lăn. Nhiều lần anh muốn tự tử…

Chỉ cần một giấc ngủ ngon…

Khi rời khỏi nhà Ohsawa, tôi đón nhận cái ôm, cái bắt tay của anh sao hờ hững quá. Tôi thầm trách mình. Thật tình là thấy một người bạn đồng tu như vậy tôi muốn giúp lắm mà chẳng biết phải làm sao. Nhìn lại mình thì mới ý thức: Bản thân cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Sự khác biệt trong tôi nếu có chỉ là một chút bình an mà thôi. Tôi biết chế tác một chút năng lượng lành mạnh cho mình. Chỉ một chút nhưng may mắn thay nhờ những gì bé nhỏ đó mà tôi chưa làm điều gì dại dột. Nhìn vào anh, tôi thấy mình đang có mặt. Hai chúng tôi cũng không khác xa nhau mấy nỗi. Tôi cũng là một đứa khác biệt. Đã có lúc tôi tự hỏi:

“Liệu có phải mình đã thức sớm trong khi tất cả vẫn còn đang say ngủ hay không?”

Và sau khi để tâm nhìn nhận, tôi kết luận mình đã lầm. Câu trả lời là “Không”. Tôi chẳng phải là một người thức sớm. Và tôi cũng không có cái may mắn được say ngủ. Mình giống như một bóng ma, một linh hồn vô chủ vậy. Tôi thấy mình vẫn còn đang phải đi tìm một nơi trú ngụ. Mình chỉ muốn đi tìm một chỗ ấm êm để ngã lưng. Mình chỉ muốn một giấc ngủ ngon thôi. Ước muốn sao mà đơn sơ quá đỗi! Vậy mà cũng không thành. Con mắt mình thao láo trong đêm thâu. Mình chẳng thể chợp mắt, mình không có chỗ nào dung thân. Mình mong có được sự bình yên, có được sự vững chãi. Nhưng đâu có ai cho mình sự vững chãi. Không có một không gian nào làm cho mình bình yên. Thời kì tìm kiếm đó quả thật là một trải nghiệm không lấy gì làm dễ chịu.

Chung cuộc thì tôi nhận ra mình chỉ có thể quay về với chính mình. Chỉ có bước chân và hơi thở là nơi chốn duy nhất cho mình sự bình yên và vững chãi. Sẽ không có ai cả. Không có một ai. Sẽ không có chốn nơi nào, không một chốn nơi nào. Trong lòng mình không có sự bình yên thì mình giống như một hòn đá vậy. Mình cứ lăn dài, cứ lăn dài trên những sườn đồi thẳng đứng. Chẳng bao giờ có thể dừng lại. Và vì vậy sự thực tập hay nhất chỉ có thể là quay về với chính mình. Nương vào hơi thở của chính mình, nương vào bước chân của chính mình. Mình chỉ có thể nương tựa vào tự thân. Chắt chiu, chế tác, tích lũy năng lượng tỉnh thức trong hơi thở, trong bước chân mỗi ngày một ít. Dần dần vốn liếng mình sẽ tăng trưởng. Và mình có thể dùng vốn liếng nó để tiếp tục khởi hành. Năng lượng tỉnh thức đó sẽ là ánh sáng soi đường mình tìm ra một hướng thoát.

Ngay bây giờ đây, nếu mà ngọn đuốc trong trái tim mình cơ hồ như đã chợt tắt thì mình phải biết kiên nhẫn. Cuộc đời, gia đình đã để lại cho mình bao nhiêu là vết thương. Mình giống như một con thú bị thương. Và giải pháp hay nhất là nên lánh mình, nên dừng lại, ngơi nghỉ. Tránh xa những chốn nơi ồn ào, không lành mạnh. Thực tập một nếp sống tỉnh thức theo 5 giới để bảo vệ thân tâm. Mình không muốn mang thêm bất cứ một thương tích nào nữa. Khi khổ đau thì thường mình sẽ có xu hướng muốn tìm quên. Mình đi tìm một người, một câu chuyện, mình tiêu thụ. Tất cả những gì mình làm chỉ là muốn khỏa lấp cái khổ đau, cái bế tắc trong lòng. Mình không có khả năng đối diện với nó. Mình sợ hãi và bỏ chạy. Cho nên giải pháp khả dĩ nhất là mình phải thực tập dừng lại và ngơi nghỉ. Bây giờ là lúc lánh nạn, quay về với mình, quay về với từng hơi thở, quay về với từng bước chân. Sẽ không ai thở thay cho mình. Sẽ không ai bước thay cho mình. Chỉ có mình mới có thể cứu vớt đời mình.

Đây là tất cả những điều tôi muốn nói với anh. Nhưng tôi cũng chưa kịp nói. Bởi lẽ tôi thấy tôi chưa làm tốt những gì mình nói. Nói được nhưng thực hiện cho rốt ráo thì không chắc. Sự thực tập của tôi so với lời nói chỉ mới có thể là 2 phần 9 hay là 3 phần 8. Thành ra mình không có đủ tự tin để mà trình bày. Tôi chỉ có thể cầu chúc cho anh. Mong cho anh giữ gìn tâm ý và luôn biết cách tự chăm sóc mình. Lời nguyện cầu cho anh và cũng có thể là cho chính tôi nữa.

Mong cho anh một chỗ để ngã lưng.
Mong cho anh một thoáng mộng bình yên.
Mong cho anh nhìn thấy khuôn mặt thật của mình.




Dạ Lai Hương
“may mà có em..
 đời còn dễ thương”
Sài Gòn,
Tháng 3, 2012

8 comments:

  1. Mong cho anh một chỗ để ngã lưng.
    Mong cho anh một thoáng mộng bình yên.
    Mong cho anh nhìn thấy khuôn mặt thật của mình.

    Cảm ơn anh, bài viết hay quá :)

    ReplyDelete
  2. Chào em, độc giả thường trực của anh.
    Anh đang định viết vài dòng nhân ngày 8/3 đó em. Không biết là có kịp đăng ngay trong hôm nay hay không?
    Chúc em một ngày vui!

    ReplyDelete
  3. Bài viết dễ thương,chân tình và cảm động quá.Đọc bài của DLH anh thấy có hình bóng mình trong đó vậy nên anh tự nhủ mình phải tinh tiến thực tập để đạt được tự do tự tại.
    Chúc em thân tâm an lạc

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào anh,
      ai mà đã có nhu yếu tu tập thì chắc chắn sẽ có một giai đoạn khó khăn như vậy. Em gọi đó là giai đoạn tìm đường. Chúc anh thực tập thành công...

      Delete
  4. Tôi đã từng như nhân vật "anh" trong bài viết, đã thấm thía bao khổ đau của đời này. Tôi cũng đã từng hỏi: Mình thực sự muốn gì nơi cuộc đời này? Và tôi đã nhiều phen khổ đau với câu hỏi và việc tìm tòi câu trả lời cho câu hỏi. Nhưng may mắn cho tôi, dù ít dù nhiều, tôi cũng nhận ra rằng thực sự mình, một con người, một chúng sinh, còn mong muốn gì nữa nơi cuộc sống này. Cây lúa là cây lúa và chỉ vậy thôi. Đùa vui với gió, ra hoa, kết hạt, hạnh phúc thay! Tôi, một con người, vui thay sống tỉnh thức. Nguyện cầu cho tôi, cho bạn có nhiều hơn những khoảnh khắc sống trong tỉnh thức!

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Miễn được lòng rồi
      Chẳng còn phép khác..." (Trần Nhân Tông)

      Miễn là hôm nay lòng mình thảnh thơi và nhẹ nhàng thì mình còn cầu mong chi nữa...

      Chỉ cần ta nhớ sống và thực tập như thế là được rồi phải không anh Cường...

      d.l.h

      Delete
    2. Chào anh! Em thì cho rằng: Cuộc sống đã đủ đầy rồi. Con người cũng vậy. Nhưng vì mình chưa thấy thật rõ chân giá trị đó nên còn tham ái, dính mắc. Mỗi lần tham ái, dính mắc, dù là vào cái gì, thì đều có phiền não, khổ đau. Và mỗi lần phiền não, khổ đau là để mình thấy rõ mình đã tham ái, dính mắc vào một điều gì đó. Sau mỗi lần khổ đau, mình bớt tham ái, bớt dính mắc, mình sống nhẹ nhàng hơn. Sau mỗi lần như vậy, mình lại thấy rõ hơn rằng cuộc sống đã đầy đủ rồi, con người cũng vậy. Chỉ vì mình khởi lên cái tham ái nên mình mới bị phiền não, khổ đau. Biết vậy rồi, từ nay, mình sẽ sống trọn vẹn hơn, thận trọng hơn, chánh niệm nhiều hơn, tỉnh thức nhiều hơn. Và cũng cầu mong Tam Bảo gia hộ cho chúng con, dù có thế nào, thì cũng chỉ một hướng đó mà đi!

      Delete
    3. wow, sự chia sẻ của bạn rất sâu sắc. d.l.h xin hoàn toàn đồng ý với bạn.
      thân,

      Delete