Chủ nhật này tôi lại về thăm Xóm Gạo Lứt. Như tôi đã từng viết, điều hấp dẫn tôi nhất ở Xóm Gạo Lứt chính là hương vị của tương Miso. Tôi đã từng có ý muốn học làm món tương này nhưng đã phải xếp lại dự định của mình...
Lý do là vì nơi ở của tôi không có không gian để phơi tương. Điều đó có nghĩa mình học lý thuyết xong rồi lại không có điều kiện để thực tập những gì đã học được. Thế thì sự học cũng vô ích! Tôi chỉ còn biết đem những bịch tương từ xóm về dùng dần. Khi nào hết, tôi lại lấy tiếp.
Lần trở về này, dì Tư Quán (dì làm tương nên người ta còn gọi dì là cô Tư Miso) rủ tôi đi hái rau chạy, một loại rau hoang mọc sau nhà. Hái xong thì hai dì cháu tôi lặt rau rồi luộc.
Giờ đang là mùa mưa cho nên rau chạy ngọt lắm. Bữa trưa của tôi có thêm món canh bí.
Như vậy là thực đơn gồm có cơm với rau chạy chấm tương miso và canh bí. Ăn đơn giản như vậy mà tôi thấy ngon vô cùng. Tôi còn được dùng một "món ăn" vô cùng bổ dưỡng khác nữa. Đó chính là không khí trong lành xung quanh. Ngay từ khi về Xóm Gạo Lứt là tôi đã phát hiện rất rõ sự khác biệt của không khí, rất là khác so với những gì tôi phải hít thở cách đó gần 50 km. Ngồi lắng đọng tâm tư giữa khoảng sân trước căn nhà lợp mái lá dừa của dì Tư, thưởng thức từng miếng nhai, tôi nhận ra phẩm chất của bữa ăn mình rất cao, cao hơn ngày thường rất nhiều.
Dì Tư hỏi tôi sao ăn có một chén cơm mà lâu dữ vậy. Tôi cũng không biết trả lời như thế nào. Tôi không cố gắng hay ráng để ăn chậm. Tự nhiên là như vậy. Không gian yên ắng, nước chảy nhẹ mát, bữa ăn thanh đạm với tương rau đã làm cho tôi cẩn trọng từng miếng nhai của mình. Tôi càng thấm thía một điều: Ăn cái gì rất quan trọng nhưng ăn trong một khung cảnh như thế nào cũng không kém phần hơn...
Khi ăn trong một không gian bình yên thì ta có nhiều cơ hội để thâu nhận vào lòng mình sự an tĩnh. Ở thành thị, tôi dễ gì mà có được một bữa ăn trong thinh lặng! Tôi muốn thế nhưng điều kiện xung quanh đâu có yểm trợ cho tôi. Ở thành thị, làm sao tôi có thể chỉ nhấc vài bước ra sau nhà để hái cho mình một đọt rau hoang dại sạch xanh mơn mởn...?
Ăn xong thì tôi uống vài chén trà (những lá trà cũng được hái từ trong vườn nhà) rồi đi dạo quanh vườn.
Từ bao giờ anh thôi là anh để là em?
Tôi tìm đến gốc cây măng cụt. Dì Tư nói đây là chỗ dì Tư hay tụng kinh. Lời chia sẻ đó làm cho tôi nhớ đến những tháng ngày đầu tiên khi Đức Thế Tôn mới thu nhận đệ tử, thành lập tăng đoàn. Lúc bấy giờ làm gì có tu viện, đền đài. Tất cả chỉ ăn ngủ sinh hoạt và tu tập dưới những gốc cây...
Tôi cạn nghĩ tu trong điều kiện như vậy chắc là hạnh phúc. Mình đâu có gì để mà lo. Mình chỉ tập trung vào chuyện điều phục tâm hành của mình thôi. Có tu viện, có chùa rồi thì nhiều khi mình phải chăm lo cho những cơ sở đó, mình hao tổn tâm sức cho những cái được gọi là Phật sự. Lẽ dĩ nhiên là mình có thể làm với tâm trạng vô ưu, vô niệm nhưng chuyện này không phải ai cũng thực tập được. Nhiều khi mình chạy theo những điều kiện bên ngoài nhiều quá rồi đánh mất công phu cá nhân lúc nào không hay...
Nghĩ đến đây tôi bỗng mỉm cười. Tôi nghĩ về dự án nông trại hữu cơ của tôi. Nếu bây giờ tôi có ngay một cái nông trại cho riêng mình, tôi có ngay một đội ngũ chuyên viên xung quanh mình. Khi đó tôi sẽ hạnh phúc? Không chắc! Có khi mỗi ngày tôi cùng anh em sẽ phải bàn bạc và thảo luận rất nhiều. Sẽ có bao nhiêu là vấn đề phát sinh. Liệu tôi có muốn đánh đổi cái tương lai chưa hề tới đó (tâm tôi đang vẽ ra) với giây phút thảnh thơi đong đưa trên võng này không?
Thêm hai câu hỏi nữa đến với tôi:
"Dạ Lai Hương, thật sự mày muốn gì?"
"Thật sự mày có còn mong chờ cái gì nữa không?"
Những bậc tiền bối Thực Dưỡng từ Nam chí Bắc tôi gần như đã gặp qua hết. Món ngon nhất của Thực Dưỡng (tương Miso) tôi cũng được nếm thử. Tinh yếu của Thực Dưỡng tôi cũng đã được dạy. Tôi cũng đã tìm ra được một pháp môn tu tập phù hợp với căn cơ của mình. Tôi có cần phải nhọc công xây dựng hay tìm kiếm một cộng đồng tiêu thụ chánh niệm, tin Phật, hiểu nguyên lý Thực Dưỡng nữa không? Những con người đó ở ngay đây chứ đâu. Vậy thì tôi còn mong chờ gì nữa? Trong một giây phút tĩnh tại, tôi thấy mình chẳng còn mong chờ điều gì nữa. Những cảm giác này tôi đã từng đi qua. Có điều là nó không ở lâu với tôi được. Khi mà tôi trở về với mình, có sự tập trung tâm ý thì nó lại phát khởi trong lòng.
Vấn đề của tôi giờ đây là làm sao có thể chế tác ra được nguồn năng lượng lành này mỗi ngày? Chuyện này tôi cạn nghĩ là cũng không khó lắm. Tu tập một thời gian thì con người ta sẽ tự rút tỉa được những kinh nghiệm cần thiết. Có một chuyện khác tôi nghĩ mình cần phải tìm cách tháo gỡ. Đó là tôi thấy mình vẫn còn hơi cô độc. Tôi chưa có khả năng mở lòng ra với mọi người. Nguyên nhân là vì tôi vẫn chưa tìm ra một công việc ổn định và dài lâu. Điều này làm cho tôi có cảm giác không thoải mái lắm khi tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên gốc rễ ở đây theo cái thấy của tôi không phải nằm ở công việc. Trong quá khứ tôi cũng có công việc, cũng có lương tiền mà tôi vẫn xa lánh mọi người đó thôi. Cho nên một chỗ làm an ổn chỉ là giải pháp tạm thời. Gốc rễ sâu kín chính là mặc cảm thua kém, chính là ngã mạn.
Tôi nhìn lên những chiếc lá măng cụt và nhớ tới mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền:
"Chẳng lẽ anh mãi phải là anh
và em mãi phải là em thì đau khổ?
Tôi hỏi: Từ bao giờ anh thôi là anh để là em?
Mùa châu ngọc cũng không biết
Từ bao giờ..."
Khi lần đầu tiên bắt gặp những dòng chữ này, tôi đã có cảm tưởng là tác giả viết về tôi. Tôi cũng đã mang trong lòng mình những vấn nghi này từ rất lâu rồi.
"Từ bao giờ anh thôi là anh...
...để là em...?"
Từ bao giờ tôi mới có thể chuyển hóa được
tất cả những mặc cảm thua kém trong tôi?
Từ bao giờ tôi mới đánh tan được
tất cả những thành quách giam giữ?
Từ bao giờ tôi mới có thể đến được với em,
đến được với cuộc đời cao rộng?
Mùa châu ngọc cũng không biết.
Từ bao giờ....
Dạ Lai Hương
Xóm Gạo Lứt
những ngày mưa, 2012
Tôi đã đọc bài này đến 2 lần ở 2 hoàn cảnh khác nhau trong 2 không gian khác nhau. Lần đầu tôi đọc ở cơ quan vào buổi chiều trời mưa, lần thứ 2 tôi đọc ở nhà vào giữa đêm khuya vắng lặng một mình. Tôi có cơ hội cảm nhận sâu sắc hơn về bài viết này của bạn, ít nhiều cũng thấu hiểu những trăn trở và khó khăn của bạn. Theo tôi ngọn nguồn gốc rễ cũng chẵng phải ở chỗ " mặc cảm thua kém". Bạn mặc cảm, tại sao bạn giao du được với nhiều người tài giỏi, bạn có khá là nhiều cơ hội để phát triển. Bạn nên suy nghĩ kỹ lại ngọn nguồn có phải vậy không? Tôi sẽ viết thư cho bạn sau!
ReplyDeleteCám ơn anh đã đọc bài viết của d.l.h với một tâm tư lắng đọng. d.l.h cũng chỉ cần chừng ấy thôi là đã mãn nguyện rồi.
DeleteCảm ơn D.L.H đã chia sẻ bài viết hay và cảm động. Trong đời sống thường nhật mình cũng đã từng rất đau khổ về cái sự mặt cảm tự ti không chỉ thế mình còn làm khổ cả người mình thương và mọi người xung quanh, may mắn là mình đã tỉnh ngộ và dừng lại.Nói ra thế để thấy DLH may mắn và tài giỏi hơn mình nhiều lắm,à mà tương Dì Tư mua ở đâu vậy? món này hơn 20 năm rồi mới được ăn ở quán trên đường Thạch Lam còn ngoài chợ chỉ có tương hột thôi.
ReplyDeleteHôm nào rỗi ghé mình uống trà.
Chánh Tuấn Thức
Chào anh, tương dì Tư thì hẳn nhiên là chỉ có thể mua ở Dì Tư ^__^. Ngày trước thì dì Tư còn làm để bán. Sau này phần vì lớn tuổi, phần vì công việc đồng áng nên ít làm. Nều có cũng chỉ làm cho riêng mình.
DeleteTương Miso thì có nhiều nơi bán lắm. Mua ở 390 Điện Biện Phủ (Nhà Ohsawa) cũng được.
Riêng phần d.l.h thì thỉnh thoảng hay xuống Xóm Gạo Lứt ở Bình Dương để mua vì ở đó dì Ba (mẹ vợ anh Chân Đi) cũng hay làm để bán...
Thân,
d.l.h