29.2.12

Hướng đi cho Thực Dưỡng


(Dạ Lai Hương - XomGaoLut.info) 15h chiều, 26-02-2012, một buổi gặp gỡ thân mật đã diễn ra tại Nhà Ohsawa, số 390, Điện Biên Phủ. Trong buổi chia sẻ này có sự hiện diện của chú Ngô Ánh Tuyết (nhà Ohsawa), chú Lê Công Thình, chú Nguyễn Văn Trung, chú Đinh Xuân Thu, chú Tuệ Quảng và Dạ Lai Hương (d.l.h).

Xung quanh chén trà và món bánh tráng lứt phết bơ mè, mọi người đã cùng bày tỏ những kinh nghiệm của mình trong việc ứng dụng nguyên lý Thực Dưỡng vào đời sống cũng như những tâm tư và thao thức về một hướng đi cho ngành Thực Dưỡng tại Việt Nam.


Dưới đây là một số ghi chép của d.l.h. 

Đầu tiên là chú Lê Công Thình. Đây là một dịch giả mà từ lâu d.l.h đã biết tới nhưng chưa bao giờ được gặp mặt. Chú đã chuyển sang Việt Ngữ rất nhiều sách Thực Dưỡng. Trong đó nổi bật là quyển: Phổ Chiếu (Kính Vạn Hoa). Cuốn Phổ Chiếu (Kính Vạn Hoa) là một tập hợp những bài nói chuyện của ông Herman Aihara về chủ đề Thực Dưỡng ứng dụng. Việc dịch thuật của chú chỉ là một hoạt động mang tính chất cá nhân và vô vụ lợi thành ra ngay cả bản thân người dịch cũng không ngờ mức độ lan tỏa và phổ biến của nó tại Việt Nam. Có thể nói hầu như phần lớn những người biết tới Thực Dưỡng đều đã đọc qua tài liệu (bản photocopy) này. Riêng cá nhân của d.l.h thì cũng đã có 1quyển và vẫn thường xuyên đọc lại.

nhà ohsawa, ảnh của dạ lai hương, lê công thình, đinh xuân thu, ngô ánh tuyết, dạ lai hương, nguyễn văn trung, thực dưỡng ohsawa


Trong sự chia sẻ của chú Thình thì mọi người đặc biệt chú ý đến sự kiện gần đây chú được tham gia một lớp học ngắn ngày (dạy nấu ăn theo phong cách Thực Dưỡng) của ông David Briscoe. (Người được xem như là một trong những nhà Thực Dưỡng học nổi tiếng và có uy tín nhất đương thời). Bên cạnh đó chú Thình cũng nói sơ lược về tình hình Thực Dưỡng tại Hoa Kỳ, thông tin về những người đi theo ông Michio Kushi và ông Herman Aihara ở 2 bờ Đông Tây.


Có thể nói từ lâu, d.l.h đã biết về những khóa học của ông David Briscoe ở Hoa Kỳ cũng như một số khóa học chính quy ở Châu Âu. Và d.l.h tự hỏi không biết bao giờ một chương trình, một khóa học như thế được khởi động tại Việt Nam. Trong tình hình hiện tại đại chúng đang rất cần một nhân vật như ông David Briscoe. Một người có bằng cấp, có kinh nghiệm tổ chức và hiểu sâu về Đông Phương Học. Một chương trình dạy nấu ăn, phổ biến kiến thức Thực Dưỡng, mang tính chất phi tôn giáo được hướng dẫn bởi một người có trình độ nếu được tổ chức chắc chắn sẽ đem lại không biết bao nhiêu là lợi lạc.

Chú Tuệ Quảng cho biết là hiện tại chú cùng những bạn bè thân hữu đang có ước muốn tìm kiếm một khu đất (dự trù là ở San Diego) để có thể xây dựng một trung tâm thực tập chánh niệm. Trung tâm này sẽ mang tính chất như một nông trại hữu cơ. Khi đến đây thì mọi người sẽ có cơ hội sống gần gũi thiên nhiên, tự trồng trọt và tiêu thụ những gì mình làm ra. Thời gian còn lại được dành cho việc tụng kinh và hành thiền. Khi nghe đến đoạn này thì d.l.h quả thật rất vui sướng vì đây cũng là điều mà mình đã ấp ủ. Nếu một trung tâm thiền tập mang hình thức như một nông trại hữu cơ được thành lập thì quả thật sẽ rất thuận tiện trong việc thực tập tiêu thụ có chánh niệm và sống nếp sống tỉnh thức. Những nông trại như vậy trên thế giới đã có rất nhiều. Nhưng một số nơi thì chỉ tập trung vào việc canh tác. Một số khác thì lại quá chuyên về những vấn đề tâm linh. Trong cái thấy của d.l.h, nếu chúng ta có thể kết hợp cả hai và giữ một mức độ cân bằng thì sẽ dễ dành được thiện cảm và có nhiều người (từ nhiều truyền thống tâm linh và văn hóa khác nhau) đến với mình hơn. d.l.h cũng có chia sẻ với chú Tuệ Quảng về ông Masanobu Fukuoka - một trong những người gây ảnh hưởng rất sâu đậm trong phong trào thiết lập những Organic Farming trên thế giới. Chú Tuệ Quảng cho biết là sẽ tìm đọc về tiểu sử cũng như những cuốn sách của ông này.


Sau khi bàn luận về một số hoạt động của Hội Dưỡng Sinh thì chú Tuệ Quảng ngỏ ý tặng riêng cho chú Ngô Ánh Tuyết bộ DVD dạy nấu ăn trong khóa học mới nhất của ông David Briscoe để chú xem qua, tham khảo và cho ý kiến.


nhà ohsawa, ảnh của dạ lai hương, lê công thình, đinh xuân thu, ngô ánh tuyết, dạ lai hương, nguyễn văn trung, thực dưỡng ohsawa


Chú Nguyễn Văn Trung cũng bày tỏ khá nhiều những kinh nghiệm của mình trong đề tài "ăn gạo lứt muối mè". Chú Thình có hỏi chú Trung về lý do của việc sưu tập tư liệu và hình ảnh về những người nhờ áp dụng lời khuyên và phương pháp của ông Ohsawa mà hết bệnh. (tài liệu Phương Pháp Ohsawa cứu mạng). Câu trả lời của chú không nằm ngoài ý hướng muốn mọi người có niềm tin vào phương pháp này và nên tìm đọc những tác phẩm của Ohsawa để có một cái hiểu đúng về phương pháp Thực Dưỡng. Khi thấy d.l.h có vẻ hâm mộ quyển "Axít và Kiềm" thì chú Trung có nhắc là phải nên tìm về gốc rễ kiến thức Thực Dưỡng. Những gì nêu ra trong "Axít và Kiềm" tuy có thể hay nhưng chúng ta nên biết rằng Aihara cũng chỉ là người khai triển những cái thấy của ông Ohsawa. Do vậy việc tìm hiểu và hiểu đúng nguyên lý Thực Dưỡng nên bắt đầu từ những người đầu tiên khai phá.

Chú Ngô Ánh Tuyết trong buổi họp mặt cũng bày tỏ vài cảm nghĩ về thực trạng của Thực Dưỡng tại quê nhà. Cũng như mọi người, chú rất mong những người có kinh nghiệm, có kiến thức về Thực Dưỡng có thể gom tụ lại với nhau và thường xuyên có những hoạt động chung để hiểu nhau nhiều hơn cũng như cống hiến những cái thấy sâu sắc về Thực Dưỡng của mình cho số đông quần chúng. Ước muốn là vậy nhưng trong thực tế để điều động, phối hợp và kêu gọi thì cần rất nhiều bàn tay chung sức và những trái tim rộng mở có thể chấp nhận nhiều quan điểm và cái nhìn khác nhau. 

nhà ohsawa, ảnh của dạ lai hương, lê công thình, đinh xuân thu, ngô ánh tuyết, dạ lai hương, nguyễn văn trung, thực dưỡng ohsawaSau một lượt chỉ tập trung vào đề tài Thực Dưỡng thì khi đến phiên mình chú Đinh Xuân Thu không nói thêm gì nữa. Chú chỉ đọc thơ và giới thiệu luôn với mọi người tác phẩm gần đây nhất của mình. Đó là quyển Trà Đời. Nghe đến tên Đinh Xuân Thu thì d.l.h bỗng nhớ đến một nhân vật nào đó. Suy nghĩ một hồi thì mới nghĩ ra và hỏi lại chú. Vì sao lại lấy tên của Tinh Tú Lão Quái trong Thiên Long Bát Bộ để làm bút danh? Câu trả lời là cái tên này không có liên hệ gì đến truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Chú họ Đinh. Còn Xuân và Thu là tên đệm của chú và vợ. 


Khi được giải đáp thắc mắc xong thì d.l.h mở sách đọc thử. Từ lâu đã nghe chuyện chú rất thích làm thơ và uống trà không ngờ lại có chú lại còn viết sách nữa. Tập sách mỏng nhưng trình bày rất trang nhã. Không chỉ có thơ mà còn có đoản văn rồi thư pháp và một số bài phổ nhạc do chính chú soạn. Như vậy là Thi - Nhạc - Họa không thiếu lĩnh vực nào. Quả thật vô cùng ngưỡng mộ.


Đến khoảng gần 17h30 thì chú Đinh Xuân Thu phải về và chú cũng không quên ký tặng sách cho những "fan" mới của mình. 


nhà ohsawa, ảnh của dạ lai hương, lê công thình, đinh xuân thu, ngô ánh tuyết, dạ lai hương, nguyễn văn trung, thực dưỡng ohsawa


Vào phút cuối có thêm 2 anh chị nữa khiến cho số lượng thật sự góp mặt là 8 người. Buổi họp mặt kết thúc vào lúc 18h00. Theo nhìn nhận của d.l.h, những buổi họp mặt như vậy là rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. Mặc dù còn có một số điểm, một số nhìn nhận trên quan điểm Thực Dưỡng chưa tương đồng nhưng mọi người đều chia sẻ trên tinh thần hòa ái và tình bằng hữu. Vì vậy, mọi người sẽ có cơ hội lắng nghe nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Lắng nghe từ nhiều phía với một thái độ ôm ấp và không phân biệt cũng là một cơ hội quý giá để làm lớn thêm, sâu thêm hiểu biết của mình. 

Hy vọng rằng những buổi trà đàm trong tình thân, tình huynh đệ như vậy sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa trong tương lai.


Sài Gòn,
26 tháng 2, 2012
d.l.h ghi theo trí nhớ
Hình ảnh: Dạ Lai Hương

No comments:

Post a Comment