8.4.12

Ngày đầu ở Xóm Gạo Lứt

ảnh Dạ Lai Hương, blog Xóm Gạo Lứt, Chân Đi, những ngày đầu Xóm Gạo Lứt, photo by Dạ Lai Hương

(Chân Đi - XomGaoLut.info) Hồi ấy, tôi với anh Phong thường đi quanh xóm làng để chia sẻ với bà con cô bác những sách vở tài liệu về phương pháp Thực Dưỡng hay gọi tắt là ăn gạo lứt muối mè.

Ngày đó, danh từ “gạo lứt muối mè” rất dị ứng với người dân ở vùng nông thôn hẻo lánh này. Hai đứa chúng tôi đã bị mọi người nghi ngờ và nói xấu rất nhiều, nhất là từ các ông chồng thích ăn thịt cá của các bà vợ mới bắt đầu theo phương pháp Thực Dưỡng. Anh Phong là dân địa phương nên bị người ta khủng bố nhiều hơn. Tôi thì ở Sài Gòn. Mỗi tuần tôi đi xe đò Miền Đông – Dầu Tiếng lên nhà anh Phong chơi và đem theo sách vở Thực Dưỡng của GS. Ohsawa do bác Anh Minh Ngô Thành Nhân dịch. Về sau, tôi lấy vợ là người ở đây và bám rễ “đu đủ” ở ấp 9, xã Thanh Tuyền này.

Tôi với anh Phong phổ biến Thực Dưỡng ở đây với ý tưởng là: Lập nên một xóm ăn gạo lứt. Suy nghĩ của tôi là khi nhiều người ở cùng một khu vực ăn gạo lứt thì chắc chắn là sẽ tạo được một sức mạnh tinh thần để hỗ trợ lẫn nhau. 

Anh Phong là người rất nhiệt tình chỉ dẫn cho bà con cô bác ở vùng này. Thời đó, anh Phong còn đi xe đạp. Có khi anh phải đạp xe 60km từ đây về Sài Gòn tới nhà Ohsawa số 390 Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh để mua thức ăn như miso, bột gạo lứt, dầu mè v.v… để đem về cho mấy cô ăn gạo lứt ở đây. Vì vậy bà con rất quý mến anh Phong. Nhất là cô Tư Quán. Cô bị ung thư và là người đầu tiên được anh Phong chỉ dẫn cách ăn gạo lứt muối mè ở xóm này. Từ đó, nhiều người thấy hiệu quả của phương thức Thực Dưỡng và họ đã chủ động thực hành theo mặc dù lúc bấy giờ chưa có nhiều sách, CD, VCD về chủ đề này.

Cứ mỗi chiều anh Phong đạp xe đạp tới nhà cô Tư là bà con xung quanh lại quây quần nơi cái chòi lá lụp xụp, trong ánh đèn chập chờn vì điện yếu để nghe anh Phong kể chuyện về ông Ohsawa, về cách ăn uống quân bình Âm Dương. Với cách dẫn dắt từ tốn, nhẹ nhàng, anh Phong tạo được rất nhiều thiện cảm của bà con. Và họ xem anh Phong không khác gì một vị “Thầy”. Tuy nhiên, bề mặt càng rộng thì bề trái càng to. Các ông chồng bắt đầu chống đối quyết định ăn gạo lứt của vợ. Anh Phong cũng bị tiếng xấu từ dư luận trong vùng. Có một điều cần phải nói thêm là ở đây mọi chuyện đều bàn luận ở quán café. Quán café ở vùng quê nhỏ bé này rất thú vị bởi lẽ đây là nơi thu phát sóng “chuyện gia đình”, “chuyện không của riêng ai”. 

Về phần mình thì từ khi có mặt ở đây, tôi cũng gặp bao nhiêu là rắc rối. Tôi chỉ có tâm nguyện là phổ biến những quyển sách hay của Thực Dưỡng. Vậy mà người ta nghi ngờ tôi là dân xì ke. Bởi vì tôi ăn gạo lứt như thế nào mà ốm tong teo, nước da xanh xao tái nhợt (Đây là hậu quả của quan điểm Dương là tốt và Âm là xấu của tôi khi đó). 

Tôi bắt đầu thay đổi chiến thuật. Tôi giao lưu và trở nên thân mật với người dân ở đây bằng cách ăn thịt cá và uống rượu chung với họ. Đối tượng mà tôi nhắm tới là những ông chồng ăn thịt cá có vợ ăn gạo lứt. Lúc này tôi có ý muốn mua một mảnh ruộng để cất chòi lá làm nơi thư giãn cuối tuần vì tôi đang làm việc ở thành phố. Tuần nào tôi cũng đi xe Miền Đông – Dầu Tiếng để lên đây thư giãn và cùng với anh Phong đi phổ biến phương pháp Thực Dưỡng. Cô Tư Quán cho tôi biết một số thông tin. Vậy là tôi quyết định mua một miếng đất kề bên ruộng của anh Tư Đường. 


Chị Muối và anh Đường 

Anh Tư Đường vốn rất dị ứng với cái trò “gạo lứt muối mè”. (bởi bà xã anh đang ăn gạo lứt muối mè để trị bệnh). Tôi dần làm quen và hay qua ăn cơm chung với gia đình anh. Tôi với anh làm một cái chòi lá ở ngoài ruộng. Ban đêm chúng tôi ngủ ở đây để giữ bò gà vịt và vườn cây ăn trái. Anh Tư Đường là nông dân giỏi nên từ ruộng anh lên đất lập vườn. Anh chuyển từng cục đất sình lên bờ để tạo mương đất và mương nước cho cá thiên nhiên ngoài sông vào. Tôi thì bỏ tiền cho những phần xây dựng cơ bản như đóng giếng trào (vì nước trào quanh năm), làm nhà lá, chuồng gà v.v… 

Qua thời gian tôi với anh Tư Đường gắn bó như anh em trong nhà. Tôi ăn thịt và uống ruộng ít hơn anh Tư Đường. Anh cũng biết bệnh tình của tôi nên không bao giờ ép trên bàn nhậu. Thỉnh thoảng anh Phong cũng lội bộ ra chòi lá của anh Tư để thư giãn và uống vài chén và bàn chuyện nhà nông (trồng cây, chăn nuôi). Chúng tôi ít khi nói chuyện Thực Dưỡng trước mặt anh vì lý do tế nhị. Chỉ khi gặp chị Muối (vợ anh Đường) và cô Tư Quán chúng tôi mới bàn đến gạo lứt, Thực Dưỡng. Về chủ đề đó thì nhiều khi nói từ sáng đến chiều cũng chưa hết chuyện (Kinh nghiệm rút ra ở đây là chúng tôi chỉ kể chuyện cho nhưng ai thích nghe).

Thời đó, ăn thịt uống rượu với tôi và anh Phong là một cực hình. Bởi vì chúng tôi bẩm sinh bệnh tật ốm yếu nên ăn nhiều uống nhiều những thứ này không có lợi cho thể xác. Nhưng vì tâm nguyện dành cho Thực Dưỡng nên chúng tôi phải “phá giới” để xâm nhập vào từng hoàn cảnh của người dân tại khu vực này. Sau khi hiểu biết họ, chúng tôi mới phổ biến Thực Dưỡng một cách khôn khéo và tế nhị. 

Sau này anh Phong mua được xe máy. Nhờ đó mà chúng tôi có thể đi xa hơn, mở được nhiều mối quan hệ hơn. Do vậy, kiến thức Thực Dưỡng cũng được chia sẻ với nhiều người hơn. 

xóm gạo lứt những ngày đầu, chia sẻ của Chân Đi, xóm gạo lứt, blog xóm gạo lứt, ảnh Dạ Lai Hương, photo by Dạ Lai Hương

Thành công?

Bất cứ ai cũng muốn thành công. Một người bán vé số cũng muốn thành công. Nếu họ bán hết trong 1 ngày 100 tờ vé số thì đó là thành công. Định nghĩa thành công rất đơn giản. Đó là làm được những gì mình thích (việc làm phải chính đáng không vi phạm pháp luật). Tôi cũng muốn thành công. Làm thế nào để thành công? Tôi nghĩ trước tiên là hãy cho, cho thật nhiều những gì mình có. 

Chúng tôi đã thành công vì đã làm được những gì mình thích. Chúng tôi đã cho đi rất nhiều (kể cả sức khỏe của mình). Bây giờ Xóm Gạo Lứt Bình Dương hay là Xóm Gạo Lứt Sống Vui, nhà Sống Vui đã được nhiều người biết tới. 

Hai anh em chúng tôi giờ cũng đã yên bề gia thất. Không cần phải tổn hao sức lực hay tâm lực nhiều như ban đầu nữa. Niềm vui của chúng tôi là được kể chuyện thời xưa của phong trào Thực Dưỡng. Tôi có thể kể trên Internet (blog XomGaoLut.info). Nhưng tôi thích được kể trực tiếp hơn. Và nếu bạn cũng thích nghe trực tiếp thì bạn có thể đến thăm chúng tôi. 

Mỗi ngày xe từ Miền Đông – Dấu Tiếng khởi hành lúc 9h 45 phút sáng. Xe buýt Củ Chi – Bến Súc cứ 15 phút là có một chuyến. Bạn chỉ cần đến trường tiểu học Thanh Tuyền, ấp 9 và hỏI nhà bà Tư Quán là sẽ gặp được tất cả chúng tôi.


Chân Đi 

Hy vọng sẽ gặp được bạn.
Ảnh: Dạ Lai Hương

2 comments:

  1. Rất mến phục,hẹn gặp anh một ngày gần đây

    ReplyDelete
  2. Dám thực hiện điều mình muốn thích là đã thành công, thật khâm phục với các anh. Và không ngờ xóm gạo nứt có cũng là từ đây. giờ mới được biết

    keyword: nhung quyen sach hay nen doc

    ReplyDelete