16.6.12

Thực Dưỡng là gì?

Lê Công Thình, Francoise Rivière, Sức Khỏe và Thực Dưỡng, Cách ăn số 7, ảnh Dạ Lai Hương, Xóm Gạo Lứt

(Lê Công Thình - XomGaoLut.info) Đó là biết ăn món gì để sống lâu và sống khỏe. Thức ăn là chất liệu căn bản của thân ta. Ta nên hiểu rằng chúng ta chỉ là sự biến hóa từ thực vật ra động vật - hay nói theo sinh lý học là từ diệp lục tố thành máu đỏ. Nếu ta hiểu rành mạch sự hệ trọng của món ăn thì vấn đề ăn uống cũng trở nên dễ giải quyết. Ta cần có đủ khả năng để trả lời những thắc mắc sau đây:

Ăn gì? Tại sao ăn hạt? Ăn bao nhiêu? Ăn như thế nào? 

Ăn gì?  
-->Thức ăn căn bản của con người là hạt như ngũ cốc, cháo đặc, bánh mì... Từ thuở xưa, món ăn căn bản của các xứ trên trên trái đất này đều làm bằng hạt. Ngay trong Thánh Kinh cũng có câu: "...hãy ăn bánh mì do mồ hôi lao động của con làm ra." 

Bánh mì làm từ cốc loại được xác nhận là món chính yếu đầu tiên. Nhìn qua lịch sử, dân Pháp ăn cái gì cũng có bánh mì. Chỉ đến thời nay, từ 50 năm tới 80 năm gần đây, họ mới bớt dùng bánh mì và thích các món tân thời, chế biến phức tạp. 

Tại sao ăn hạt?  
-->Cốc loại chứa đầy sinh lực nên mọi vật được khai sinh và tăng trưởng. Chúng phát triển mà không mất năng lượng vì bị phân tán. Lực hướng tâm mạnh mẽ của chúng đích thực là sự sống (xin đọc thêm sách của Ohsawa và các tài liệu Thực Dưỡng).

Ăn bao nhiêu? 
-->Ăn cho đến khi vừa hết đói. Hãy coi chừng cái đói giả dối. Phải nhận biết cái đói thật sự của ta. Nhờ vậy ta không cần ăn nhiều mà chỉ vừa đủ để được tráng kiện. Nên nhớ rằng ngon miệng là dấu hiệu của sức khỏe. 

Ăn như thế nào?
-->Nhai kỹ là điều hệ trọng. Khi lượng thức vào đủ trong miệng rồi thì ta nên nhai 50 lần hay 100 lần. Nhai kỹ khiến ta không bao giờ bị bội thực. 


Cách ăn số 7 là nền tảng của Thực Dưỡng

Xem cách ăn số 7 là tuyệt đối, đơn nhất, rất khắc khe lại là mối bất hạnh, sẽ đưa ta vào nhầm lẫn rồi ngụp lặn trong bao lỗi lầm!

Cách ăn số 7 hay Pháp Thực Dưỡng #7 thì hết sức giản dị. Ai cũng biết cốc loại là món ăn nền tảng và đem lại cho con người nhiều sinh lực nhất. Còn các loại thức ăn khác thì ít hệ trọng hơn. Khi đưa cốc loại vào bữa ăn nên để ý tỷ lệ cốc loại với các món khác vì nó nhanh chóng ảnh hưởng đến sự quân bình Âm Dương của bữa ăn. Phải biết rõ phẩm chất các loại món ăn, phải biết cách nấu và chế biến cho cân bằng Âm Dương và phải ăn theo tỷ lệ hợp lý. Những điều này có thể gây khó khăn cho người vừa mới theo phương pháp Thực Dưỡng. Và để tránh lỗi lầm, đặc biệt cho những ai bị bệnh, chúng tôi khuyên nên ăn món chính là cốc loại (được gọi là cách ăn số 7 – xin đọc thêm sách Phòng và Trị Bệnh Theo Phương Pháp Thực Dưỡng Ohsawa – Anh Minh Ngô Thành Nhân - phát hành tại Nhà Ohsawa, 390 Điện Biên Phủ, P17, Q Bình Thạnh, Tp HCM ). Lý do là vì các món cốc loại dễ tạo quân bình cho cơ thể. Trong thời gian thực tập ăn theo phương thức số 7 (từ 2,3 ngày đến 10 ngày), chúng ta cần chuyên tâm nghiên cứu tầm quan trọng của nguyên lý Âm Dương trong món ăn hằng ngày. 




Chia sẻ của Dạ Lai Hương:

TẬP LÀM MỘT NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM
VỚI LỰA CHỌN CỦA MÌNH


Tôi nhận được tài liệu này từ tay chú Lê Công Thình cách đây 3 tháng (03-2012). Nhân bài đăng này, tôi cũng xin chia sẻ những suy nghĩ của mình về phương thức được gọi là số 7.

Ý đầu tiên tôi muốn nói là không hiểu cách phổ biến như thế nào mà bấy lâu nay rất nhiều người nghĩ rằng ăn theo số 7 tức là chỉ có gạo lứt với muối mè. Trong tập sách này, tác giả Francoise Rivière đã viết rất rõ ràng:
 “Trong sách này, tôi sẽ hướng dẫn cho quý vị nhiều cách ăn theo số 7. Pháp ăn số 7 đâu phải chỉ ăn cơm lứt với muối mè. Lối ăn này dễ làm cho một số người vừa nhập môn chán ngán. Pháp số 7 phải thanh nhẹ chứ, y như những lời dạy của tiên sinh Ohsawa. Đừng khắc nghiệt khi ứng dụng Thực Dưỡng. Phải ôn hòa tùy thuận theo từng trường hợp và hoàn cảnh! Tôi sẽ lý giải thật đơn sơ hầu như cho quý vị vừa nhập môn khỏi bị lầm lẫn các món Thực Dưỡng đa dạng mà họ có dịp nấu nướng, đặc biệt là những món Thực Dưỡng chính thống và món đặc sản Thực Dưỡng (The Specifics). Tôi sẽ chỉ bày cách chế biến và đi sâu vào bản chất độc đáo của các món ấy…”

Ý thứ hai, tôi xin được kể về trường hợp của cá nhân tôi. Tôi cũng đã có thời gian ăn gạo lứt muối mè (2-2010). Không đến nỗi quá khắt khe và tôi cũng không theo dõi ngày tháng một cách cụ thể. Điều này có nghĩa tôi giảm thiểu hoàn toàn đường, bột ngọt, nước đá, ăn chay đơn thuần. Gạo lứt và các loại ngũ cốc như kê, yến mạch là thành phần chính yếu. Miso được sử dụng như là nước chấm thay thế cho nước tương thông thường. Sau khoảng 1,5 tháng tôi phát hiện mình sụt 10 kg. Sức khỏe thì vẫn vậy. Tôi không bệnh tật gì chỉ muốn thử nghiệm trên cơ thể mình. Khi bắt đầy ăn chay thì tôi đã giảm trọng lượng cơ thể từ >=70kg xuống còn>=60kg. Sau khi ăn theo Thực Dưỡng thì trọng lượng trung bình vào khoảng >=50kg. Từ đó, tôi ăn chay bình thường trở lại, không nhất thiết phải là gạo lứt muối mè hay các món thuần túy Thực Dưỡng thì thấy trọng lượng cơ thể không tăng nữa. Tôi rút ra một kết luận là nếu thực tập theo phương pháp này thì chúng ta có thể trở về trọng lượng đích thực (tình trạng cân bằng) của mình (?).

Ý thứ ba cũng là ý quan trọng nhất. Khi đọc những sách Thực Dưỡng của GS Ohsawa hay những tài liệu dạng này thì tôi luôn để tâm đến năm xuất bản, hoàn cảnh ra đời, đối tượng mà tác giả hướng tới. Với tôi đây là một điều quan trọng vì nếu làm được vậy thì ta mới có thể đi sâu vào trái tim của người viết. Nếu chỉ đọc, chỉ tiếp nhận bằng sự phán xét, bằng trí năng thì chúng ta nhiều khi chỉ tiếp cận được với bề mặt ngôn từ. Sách viết cho người Phương Tây hẳn nhiên là hợp với điều kiện về mặt địa lý, phong tục, tập quán ăn uống của người Phương Tây. Sách viết cho người Phương Đông hẳn nhiên phải có sự điều chỉnh. Đó là còn chưa kể đến những đổi thay theo thời gian, theo sự biến đổi của môi trường và ngành nông nghiệp. Sách viết vào những năm 70, 80 của thế kỷ 20 chắc hẳn sẽ cần phải được biên tập để phù hợp với những gì đang xảy ra ở những năm đầu thế kỷ 21. Theo tôi, nếu người đọc chúng ta nhìn rõ được sự thật này thì sẽ thoát khỏi những tranh cãi, những bàn luận không cần thiết. Mục đích của chúng ta rõ ràng không phải là những danh từ mà là sức khỏe, là lòng bình an và nhẹ nhàng.

Điều cuối cùng, tôi muốn chia sẻ là khi tôi áp dụng những chế độ ăn uống được chỉ bày trong các tài liệu Thực Dưỡng thì đó chính là quyết định của cá nhân tôi. Tôi không khuyến khích, kêu gọi hay cổ động cho phương pháp này. Nếu vì quyết định này mà sức khỏe của tôi có vấn đề thì tôi chấp nhận. Tôi không quay lại phán xét hay trách móc, công kích người viết. Tôi tập làm một người có trách nhiệm với cơ thể mình. Ăn uống theo Thực Dưỡng tức là một phương cách để cho chúng ta thực tập nhận diện và tiếp xúc với những đổi thay trong cơ thể mình. Sẽ không có một chế độ chuẩn mực hay một cách ăn chung cho tất cả. Chính chúng ta sẽ phải tự tìm ra một cách tiêu thụ cho riêng mình. Để làm được điều này thì cần phải có định lực hay là sự tập trung tâm ý. Muốn có sự tập trung hay một cái nhìn sâu sắc thì buộc lòng ta phải thực tập nhai kỹ, lắng đọng lòng mình trong khi ăn. Và điều này chắng có ai làm thay cho ta được. Chỉ có ta mới biết được cơ thể ta cần phải tiêu thụ những gì.

Ban đầu thì ta có thể phải nương vào tài liệu Thực Dưỡng, nương vào những bậc thầy kinh nghiệm. Nhưng về lâu dài chính ta phải tự tìm ra một công thức cho mình. Vì vậy, một lần nữa tôi xin được lập lại một câu đã dùng rất nhiều lần. Tất cả những gì anh chị đọc trên trang này chỉ dừng lại ở mục đích tham khảo. Có theo hay là không thì các anh chị phải có sự quán chiếu của riêng mình. Nếu cảm thấy khó khăn thì hãy xin những lời khuyên của những chuyên gia và bác sĩ có kinh nghiệm…

Những lời chân thành
Dạ Lai Hương
16-06-2012



Nhai món gì? Bao nhiêu lần? Nhai Cách Nào?  

Điều hệ trọng nhất cần phải ghi nhớ là phải nhai thật kỹ tất cả món ăn để cải thiện và phục hồi nhanh chóng sức khỏe. Nhai đúng cách cho ta 4 điều hay:


1. Giúp cho bao tử đỡ vất vả hơn
2. Enzyme trong nước miếng giúp tiêu hóa thức ăn. Nhai càng lâu, thức ăn sẽ càng được hấp thụ nhanh, nhờ vậy sức khỏe được phục hồi nhanh.
3. Đưa từng miếng nhỏ vào miệng để kiềm hãm tính háu ăn và hạn chế việc ăn uống quá độ. Tiên sinh Ohsawa từng cặn dặn: “Hãy sống đạm bạc để được hạnh phúc.”
4. Kiềm chế thói háu ăn bằng cách ăn không gây tiếng động với thái độ trân trọng, không tham đắm, luôn biết rõ mình đang làm gì và nhờ tự nhận diện được mình cùng với thức ăn và toàn vũ trụ nên mình mới nghĩ tưởng đến địa cầu này như mẹ hiền và nghĩ đến cốc loại như sữa mẹ. Đây là thức ăn đặc biệt thích hợp cho chúng ta - những đứa con thơ - có thể chiêm nghiệm chất liệu nào cấu trúc nên vũ trụ. 



Nhưng ăn gì?

Cốc loại – Theo Thực Dưỡng thì cốc loại là thức ăn căn bản nhưng các món khác phải ăn đúng tỉ lệ. Phải hết sức để ý đến số lượng và cách nấu nướng. Nói chung ta ăn bao nhiêu cốc loại cũng được, ăn tùy thích bao nhiêu món làm với gạo hay các loại hạt khác miễn là nhai kỹ từng miếng ăn (từ 50 lần đến 100 lần).

Rau củ nấu chín theo lối Nitsuké, tức là xào sơ với chút dầu (nên dùng dầu mè). Nên ăn tối đa một muỗng canh cho một bữa ăn.

Rau củ tươi hay rau trộn – nói chung ta không nên ăn món này. Ta có thể ăn một muỗng canh rau củ làm chua bằng muối biển thiên nhiên (Tsukemono – LND: tiếng Anh gọi là pickled vegetables), ăn chung với món cá. Chút ít ngò rí (mùi tây) sẽ giúp cho cơ thể tự tiết ra sinh tố. Cơ thể cần những món như ngò rí để tạo ra sinh tố thiết yếu. Thiếu sinh tố sức khỏe bị suy nhược, dư sinh tố, sức khỏe lại tệ hơn. (LND: Ở Mỹ, Nguyệt san Reader’s Digest, tháng 3-2010, ngay mặt bìa có lời khuyên nên ăn rau củ thiên nhiên thay vì dùng vitamin vì cơ thể sẽ không chịu nổi!)

Cá, gà, vịt, thịt heo, bò hay phó mát – không nên ăn hay ăn chút ít và thỉnh thoảng thôi, vì các món này kích động tánh gây hấn rồi khiến ta gặp bất hạnh. Người đời hay nói rằng cõi Thiên Đàng khó vào do hậu quả của thói ăn thịt thú vật, vì các món này khơi động bản năng thấp hèn.

Canh – ăn chút ít chừng 1 chén nhỏ (15 muỗng canh), không dùng hằng ngày hay mỗi bữa ăn. Điều này khá quan trọng cho những người vừa nhập pháp môn Thực Dưỡng đã từng dùng quá nhiều chất lỏng, rau củ và trái cây.

Thức uống – dùng càng ít càng hay, không quá 3 chén nhỏ/ngày. Nên uống nóng nhưng đừng quá nóng vì như thế có thể làm phỏng dạ dày. Ta thực tập uống chậm. Và nên nhớ là ta cũng cần nhai nước. Nếu thỉnh thoảng có dùng Trà Mu thì nên uống lạnh vì Trà Mu Dương lắm. Hãy nhớ là lạnh thì âm, còn nóng thì Dương và trên 99% các bệnh đều âm. Vì thế nêu cẩn thận với Âm (trừ các trường hợp đặc biệt) và cũng nên coi chừng Dương. Thái quá luôn gây nguy hại. Quan trọng nhất là làm sao để đạt được quân bình. Ta nên học để hiểu sâu về nguyên lý quân bình Âm Dương để được tráng kiện cho quãng đời còn lại. 



Bao nhiêu?

Ăn và uống càng ít càng hay. “Ăn để sống và đừng sống để ăn”. Câu này có nghĩa là ăn vừa đủ lượng thức ăn cần thiết để duy trì sự sống. Ăn quá lố là mê ăn và phải trả giá bằng bệnh tật. Ăn tùy thích món chính yếu làm từ cốc loại (1,2,3 chén nhỏ). Còn các món khác thì ăn ít thôi. Một cách ngắn ngừa tuyệt hảo tất cả bệnh tật là ăn không quá một muỗng rau củ trong mỗi bữa ăn.

Trái cây vùng nhiệt đới như thơm, chuối, xoài, cam, quýt…đều rất âm, có thể ăn trong bữa ăn ở xứ nóng để giải nhiệt. Vùng ôn đới nên ăn trái cây gần nơi ta ở như táo, dâu tây, các loại dâu rừng.

Tiên sinh Ohsawa bảo rằng những ai đã cải thiện được sức khỏe mình có thể ăn 1 trái táo trong 1 tháng. Thế thì ta bắt đầu làm bánh nhân táo, dùng nguyên trái táo, rồi thì ăn ¼ cái bánh và ta ăn hết trái táo trong 1 tháng vậy. Không khó mà chỉ làm quen thôi.

Đừng nghĩ Thực Dưỡng là cực hình vì không có món tráng miệng khoái khẩu! Rồi đây chúng tôi sẽ tặng quý vị nhiều công thức làm bánh ngọt và pudding để quý vị bớt thèm ngọt. 



Ăn cách nào?
 
Chúng ta không thể hoàn toàn lành bệnh nếu không đổi thói quen ăn uống. Ăn uống đặt ta vào thế hiệp thông với bản thể vũ trụ. Thức ăn trở thành thịt và máu của chúng ta. Khi ăn, ta tiếp nhận một sự sống của muôn loài rồi biến chúng thành máu. Ta phải tri ơn Vũ Trụ cho ta khả năng trở thành cái “phản ánh sống động”, một thực thể có thể nhận thức được trong cõi Vô Sắc Vô Biên (?). Do đó khi chúng ta bắt đầu thực tập ăn uống trong tỉnh thức thì tức là ta cũng đang khởi sự tiếp cận mục tiêu tối hợp của loài ngoài đó là hợp nhất vào bản thể của Vũ Trụ Vô Biên (?)

Chúng ta là kết quả của thức ăn chúng ta dùng. Trước tiên chúng ta được hình hành nên từ thực phẩm mà mẹ ta đã ăn. Sau khi sinh ra, thân ta được cấu tạo từ các nguyên tố ta đã hấp thụ. Nhờ những gì ta hấp thụ ta lớn lên, đối phó với cuộc đời và bắt đầu biết suy tư, nhận định. Đây là điều chúng ta ngụ ý khi nói về sự hình thành từ “sự biến hóa của thực phẩm”. Và loài người là sản phẩm sau cùng của những biến hóa này.

Loài người phải được tự do và lộ trình ngắn nhất để đến với tự do chính là hành trì pháp Thực Dưỡng (?). Có tự do tức là ta không còn bị vướng bận một khát vọng nào hay bị chúng khống chế. Ta cởi bỏ tất cả những ý niệm và hoàn toàn làm chủ đời mình….
 


:::Dữ liệu nguồn cấp:::
:::Tác phẩm: #7 Diet (An Accompaniment to Zen Macrobiotics)
:::Bản gốc: La Santé et la Macrobiotique (1974)
:::Tác giả: Francoise Rivière  
:::Dịch giả: Lê Công Thình
:::Ảnh minh họa: Dạ Lai Hương
:::Tài liệu thể hiện quan điểm cá nhân của người viết. Những chỉ dẫn về thực đơn ăn uống chỉ mang tính tham khảo. Trước khi áp dụng cần có sự tư vấn của chuyên gia về dinh dưỡng cũng như bác sĩ có bằng cấp và kinh nghiệm.



Lê Công Thình

Về Dịch Giả

Lê Công Thình hiện là công dân Hoa Kỳ. Ông là một trong những người đầu tiên chuyển ngữ những tài liệu Thực Dưỡng sang Việt Văn. Một trong số đó là tác phẩm nổi tiếng Phổ Chiếu - Kính Vạn Hoa của Herman Aihara.

No comments:

Post a Comment