24.2.17

Ngôn ngữ của Xóm

Xóm Gạo Lứt, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Ngôn ngữ của Xóm, Chân Đi, Hòa Bình, Tịnh Hóa

Tôi ăn chiều ở nhà anh Chân Đi. Có rau, hủ tiếu, cơm lứt và không thể thiếu miso. Ôi, miso! Thứ hương thanh khiết quê nhà, vị tương đã thuần dưỡng tâm hồn qua bao mùa mưa nắng. Tiếc là người bạn đi cùng đã ra về. Không thể thưởng thức thêm một bữa chay mà bạn cũng mất luôn cơ hội có mặt trong sự kiện lúc 7 giờ tối.

Dùng cơm xong, tôi bộ hành xuyên vườn măng cụt của dì Tư, dừng lại một lát ở ao sen của dì Ba rồi băng qua cánh đồng. Mặt trời đã tắt hẳn. Nhưng trăng chưa sáng soi. Chỉ có gió. Từ bốn phương. Và hàng bạch đàn nghênh đón người bạn cũ. Con đường đến thất Thầy Đức không quá dài, nhưng số lượng bước chân là đủ để tư duy ngơi nghỉ. Lặng im nối dài cùng những rung cảm thiệt thà.

Trước thất có một khoảng sân nhỏ, vừa vặn cho một lần hàn huyên. Bóng người lần lượt vân tập, nghiêm trang dự vào buổi công phu chiều. Tôi không thoải mái lắm với việc tụng kinh. Tôi cũng không quen với chiếc áo tràng Thầy cho mượn. Nhưng tôi quý kính khoảnh khắc này lắm. Tất cả đang sám hối sáu căn, đang cho tôi nguồn sức mạnh để nhìn thẳng vào tôi, nhìn thẳng vào những gì tôi đã nói, đã làm, đã nghĩ. Bản chất của hoạt động này chính là sửa mình, tự suy xét mình. Và đó chính là điều tôi hằng ước ao. Nhưng tự suy xét không chỉ là giấc mơ mà đã trở thành thói quen, là một hành động chân chính mà tôi gắng cố thực hành, bền bỉ và đều đặn.

Tôi chưa từng ở lâu trong khu rừng Trúc Lâm. Tôi cũng chưa tắm hết đời mình trong dòng sông Nguyên Thủy. Còn rất nhiều những môn phái khác trên giang hồ nữa. Sở học của tôi là có hạn cho nên tôi không dám luận bàn. Nhưng nếu bất kỳ tổ chức nào được lập ra, bất kỳ phương pháp nào được trao truyền mà giúp ích cho công cuộc tịnh hóa lòng người, sách tấn, cổ võ cho việc tự suy xét thì tôi luôn cúi rạp mình tán thán. Trong tiếng chuông ngân và lời kinh thầm thì, lòng tôi khấn nguyện, mong sao ngôi già lam này được vững yên, sống động. Mong sao người ở Xóm sẽ có mặt thường trực, những con người lặng lẽ, thiệt thà và hào hiệp, những con người thiết tha với việc tịnh hóa, tự suy xét mình.


Xóm Gạo Lứt, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Ngôn ngữ của Xóm, Chân Đi, Hòa Bình, Tịnh Hóa

Anh Chân Đi đã viết một loạt bài cho Xóm. Câu kết bài của anh luôn là “xin không bình luận”. Tôi rất thích điều này. Viết như vậy chứng tỏ anh không muốn tham gia vào những đúng sai, yêu ghét, vui buồn. Viết như vậy là thể hiện một phần nào đó trong ý, đó là cái ý không muốn tạo ra tranh cãi, không muốn gây hấn. Nội dung viết ra sao, văn phong như thế nào, tôi chưa vội phân tích. Nhưng chỉ cần đọc câu kết của anh là tôi cảm phục thành ý của anh. Rõ ràng khi hành văn, anh không muốn sau đó là những trận chiến ngôn từ. Đó là điều xứng đáng được ca ngợi. Cái muốn của anh khi viết chính là hòa bình. Chân Đi không đại diện cho Xóm, tiếng nói của Chân Đi chỉ là tiếng nói của một cá thể. Nhưng nếu giữ được chủ trương hòa bình trong thâm tâm thì tôi tin rằng anh là khuôn mặt đại diện đích thực, là tiếng nói của số đông. Ngôn ngữ của Xóm là như thế. Đó phải là ngôn ngữ của hòa bình. Ai viết cho Xóm cũng được. Đề tài nào cũng được. Nhưng ngôn ngữ phải là hòa bình. Không khí mà câu chữ tạo ra phải là không khí hòa bình.

Có một câu nói được lan truyền mạnh mẽ trong số những người ăn chay mà tôi biết. Đó là “chúng ta là những gì chúng ta ăn”. Tôi thấy câu này có phần chơn thiệt nhưng chưa đầy đủ. Chúng ta là những gì mình ăn. Và còn nhiều nữa chứ. Chúng ta là những gì mình nói, là những gì mình viết, là những gì mình làm. Nhưng nguồn cội mãi mãi là tâm. Chúng ta là những gì chúng ta suy nghĩ. 

Ăn chay cũng là một sự lựa chọn. Tôi nằm trong số này. Nhưng tôi biết một khi đã lựa chọn một món ăn, một kiểu ăn, một cách thức tiêu thụ nào đó thì tức là chúng ta đã có những lý lẽ của riêng mình. Theo thời gian, kiến thức chất chồng kiến thức, tư duy đắp đổi tư duy, lý lẽ sẽ thêm phần sắc bén. Chúng sắc bén đến nỗi có thể ngọt cứa vào da thịt người khác. Ăn như vậy thì chỉ ăn bằng đầu. Tôi đã từng kinh qua nên tôi thấm thía điều này lắm. Tôi đã chỉ ăn bằng đầu mà tôi chưa biết cách ăn bằng những nguồn lực khác nơi tự thân. Tôi đã bất hạnh như vậy, bất hạnh trong một thời gian rất dài. Bất hạnh vì không biết mà cũng không có ai chỉ cho mình biết. Nhưng còn có một thứ nguy hại gấp nhiều lần hơn. Đó là bên trong sự hoạt động của tư duy, của trí óc, bên trong những lý luận luôn ẩn tàng xung đột. Có một cuộc nội chiến ở bên trong. Cuộc nội chiến ấy có thể đã kéo dài 20 năm, 30 năm, 40 năm. Nếu không biết dành thời gian suy xét, nếu không học được những kỹ thuật đúng đắn để tịnh hóa thì trước sau gì chiến tranh cũng bùng nổ ở bàn ăn, trong những cuộc trò chuyện dưới đất và trên mạng. Bút chiến rồi khẩu chiến và muôn hình vạn trạng. Tất cả cũng là từ nội chiến đang xảy ra hằng ngày. Tôi lắng lo, tôi kinh sợ với điều ấy hơn hết. Ăn gì từ lâu đã không còn là chuyện hệ trọng với tôi nữa. Hòa bình mới thật sự là mối quan tâm trên hết. Và hòa bình nằm trong tầm tay, không hề xa vời. Hòa bình là tịnh hóa, là tự suy xét, bền bỉ và đều đặn.

Trăng đã dát vàng mây trời. Ánh trăng hiền lành đang chứng tri những bóng người bên dưới râm ran trong lời tụng niệm. Cả ánh trăng và con người, không ai muốn chiến tranh, tất cả đều đang trải hết lòng mình, thành khẩn mong cho mảnh đất nơi đây mãi mãi êm ấm thanh bình.

#Nhiên
tháng 2, 2017


Xóm Gạo Lứt, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Ngôn ngữ của Xóm, Chân Đi, Hòa Bình, Tịnh Hóa

*Nguồn ảnh: Nguyên Nhàn

No comments:

Post a Comment